Đà Nẵng: Khách du lịch hủy tour, doanh nghiệp cần làm gì?
Tại Đà Nẵng, hầu hết số lượng đoàn khách du lịch hủy tour đến thành phố cũng như sử dụng các dịch vụ liên quan đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch “lao đao”.
LTS: Mất doanh thu dẫn đến thiệt hại nặng là điều không tránh khỏi, doanh nghiệp du lịch chỉ biết gắng gượng qua khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Duy Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch Non Nước Việt cho rằng việc khách du lịch hủy tour đến Đà Nẵng đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Vũ cũng cho rằng các doanh nghiệp cần bình tĩnh và giữ uy tín của mình đối với khách hàng.
- Dịch COVID-19 quay lại đã khiến ngành du lịch thành phố tiếp tục tổn thương, ông đánh giá tình hình thiệt hại hiện tại như thế nào?
Những ngày đầu tháng 4, mọi công tác chuẩn bị cho một mùa hè sôi động của ngành du lịch đã được lên dây cót và sẵn sàng bùng nổ. Thế nhưng, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và khiến mọi thứ thay đổi hẳn, trầm tư và im lặng lạ thường.
Không chỉ Đà Nẵng, dịch bệnh tiếp tục lan rộng tại các tỉnh thành với nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Từ việc lo ngại dịch diễn biến phức tạp, các tour du lịch đến Đà Nẵng đã liên tục bị hủy, hoãn tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch chỉ vừa mới khởi động trở lại cũng đành tiếp tục bài ca tạm dừng. Nhiều người còn cho rằng sẽ không còn mùa hè dành cho doanh nghiệp du lịch, du lịch chỉ trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hiện tại, dịch bệnh trở lại đã khiến việc kinh doanh của Công ty muôn vàn khó khăn. Trong đó, việc hoãn, hủy tour của khách du lịch tại đơn vị đã lên đến 90% khiến doanh nghiệp gặp vướng. Đa phần khách hàng của Công ty đều là các cơ sở hành chính, trường học. Và phần lớn khách đã chuyển khoản để đặt vé máy bay, nhưng hiện nay có một câu chuyện giữa lữ hành, khách và hãng bay rất nan giải là vấn đề hoàn vé.
-Trước những diễn biến của dịch và "làn sóng" hủy tour của khách du lịch, phía công ty đã có những phương án gì để tránh thiệt hại cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng?
Công ty là cầu nối trung gian để giải quyết các vấn đề, đầu tiên là phải trấn an khách. Trong lúc nhiều đoàn khách muốn hủy tour thì phía Công ty phải có phương án giải quyết sớm nhất. Nếu nhà nước có công văn cụ thể cho các hãng bay về việc hủy vé, hoãn thì mọi việc rất đơn giản.
Tuy nhiên hiện tại các hãng bay áp dụng việc hoàn trả đổi với các trường hợp là F0, những người đang bị cách ly thôi. Còn lại những trường hợp tham quan thông thường vẫn không có cơ sở chứng minh để được hoàn trả vé. Nếu khách du lịch không đi thì hủy vé, chịu mất tiền đã đặt cọc. Thế nhưng số tiền vé ấy là rất nhiều.
Vấn đề đặt ra là phía các doanh nghiệp phải giải quyết vấn đề làm sao cho thật êm xuôi giữa khách hàng, hãng bay. Trong khi giải quyết những khiếu nại của khách hàng, các công ty vẫn đang mỏi mòn chờ những chính sách mới để quyền lợi của khách hàng và các đơn vị kinh doanh đều được bảo đảm.
Phương án tiên quyết của Công ty là phải đảm bảo uy tín với khách hàng, việc giải quyết của hãng bay như thế nào thì mình vẫn là người đại diện đứng ra đảm bảo quyền lợi cho khách. Đầu tiên, phí tour công ty sẽ hoàn trả lại cho khách hàng 100%, và đã trả lại cho khách trong những ngày qua.
Về phía vé máy bay, công ty sẽ giải thích cho khách từng bước một theo quy trình của hãng bay. Nếu phương án cuối cùng hãng bay không giải quyết, bắt buộc hủy vé thì công ty sẽ hoàn trả khách hàng 50% giá trị vé, gọi là chịu chung thiệt hại với khách hàng. Công ty đã chi hàng trăm triệu đồng để làm việc này để đảm bảo uy tín về lâu dài.
- Vậy theo ông, bản thân các doanh nghiệp du lịch hiện nay cần chuẩn bị những gì để vượt qua khó khăn, chờ ngày du lịch phục hồi?
Trong thời gian tới bản thân các doanh nghiệp du lịch cần phải tự cứu lấy mình. Thời gian qua, bản thân các doanh nghiệp đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm nên những khó khăn lần này có thể sẽ được giải quyết sớm và chờ ngày du lịch hồi phục.
Dịch bệnh đã xuất hiện trên diện rộng và đã bùng phát đợt thứ 4 nên từ trung ương đến địa phương đã có kinh nghiệm. Mọi công tác phòng, chống dịch đều rất chủ động và cơ động. Đơn cử như Đà Nẵng, hiện nay thành phố đang kiểm soát dịch rất tốt, chắc chắn thời gian sau du lịch sẽ bùng nổ trở lại.
Do đó, các doanh nghiệp hãy sẵn sàng kế hoạch, sản phẩm phù hợp cho thời guan tới. Đợi đến khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ chính là thời điểm bung ra để thu hút du khách đến thành phố và trải nghiệm.
Xin cảm ơn ông!
Hiện tại, TP. Đà Nẵng đã ghi nhận 115 ca lây nhiễm COVID-19. Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã ban hành công văn gửi đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đề nghị triển khai áp dụng bản đồ an toàn COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo thành phố. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng đã dừng dịch vụ vận tải đến nhiều tỉnh thành khác để đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19 được hiệu quả. Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết Hiệp hội đã làm việc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoàn tiền trong vòng 10 ngày để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đã làm việc với các hãng hàng không có chính sách tránh gây thiệt hại nhiều cho du khách, đa phần các hãng bay đều đồng thuận. Đồng thời, Hiệp hội cùng với Quỹ xúc tiến phát triển thành phố đang có đề xuất với lãnh đạo thành phố cho người lao động và doanh nghiệp vay từ nguôn ngân sách thành phố. Hiện tại đã có văn bản gửi đến các Sở Du lịch, Sở Tài chính,... và đã đạt được thỏa thuận ban đầu để củng cố hồ sơ làm việc với Ngân hàng chính sách. Nếu được thông qua, người lao động và doanh nghiệp sẽ được vay một phần tiền để trang trải cuộc sống cũng như bảo hành, bảo trì trang thiết bị. |
Có thể bạn quan tâm
Khách du lịch chuẩn bị gì khi đến Đà Nẵng vào dịp nghỉ lễ?
00:25, 02/05/2021
Aria Đà Nẵng mang đến mô hình trải nghiệm du lịch staycation thời thượng
16:19, 27/04/2021
Gần 40% số người trong ngành du lịch bị mất việc làm
11:00, 27/04/2021
Đà Nẵng tìm cách "gỡ nút thắt" cho sản phẩm du lịch đêm
07:02, 21/04/2021