Tiền Giang: Điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công

LÊ TRANG 27/05/2021 05:57

Năm 2021, công tác đầu tư công được Tiền Giang triển khai từ sớm. Để không bị động, công tác chuẩn bị đầu tư đã được các sở, ngành và địa phương chuẩn bị từ rất sớm.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là phần quan trọng của “cỗ xe tam mã” thúc tăng trưởng kinh tế năm 2021, nên đang được tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm. Và lần đầu, một “kịch bản” giải ngân vốn đầu tư công đã được Tiền Giang xây dựng một cách chi tiết và quyết liệt ngay từ đầu năm.

Nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên nhiều công trình hạ tầng sớm hoàn thành, tạo tiền đề thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Hương, một địa chỉ đỏ về thu hút đầu tư của Tiền Giang.

Nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên nhiều công trình hạ tầng sớm hoàn thành, tạo tiền đề thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Hương, một địa chỉ đỏ về thu hút đầu tư của Tiền Giang.

Tăng tốc xây dựng cơ bản

Với vị trí “cửa ngõ” của Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang là điểm đến đầu tư lý trưởng trong khu vực. Tỉnh nằm trên các trục giao thông quan trọng (Quốc lộ 1A, 50, 60, 30), đặc biệt, đường cao tốc từ TP.HCM đến Trung Lương - Mỹ Thuận sắp được thông tuyến và trong tương lai là tuyến đường sắt TP.HCM - Trung Lương.

Bên cạnh đó, 2 dự án cầu lớn trên địa bàn Tiền Giang (Mỹ Thuận 2 và Rạch Miễu 2) đang triển khai, việc nâng cấp Quốc lộ 50 và tuyến Kênh Chợ Gạo (trục đường thủy huyết mạch của miền Tây về TP.HCM) cũng đã hoàn thành cơ bản…, tạo điều kiện kết nối giao thông, giao thương hàng hóa.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, năm nay kế hoạch vốn giao cho đơn vị 547,09 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 26 công trình. Đến nay, đơn vị đã giải ngân hơn 325 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch vốn giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh (xổ số kiến thiết) đã giải ngân 184,255/205,968 tỷ đồng, đạt 89%; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giao năm 2021 (Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã giải ngân 26,301/222,373 tỷ đồng, đạt 12%; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kéo dài (Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã giải ngân 53,710/56,666 tỷ đồng, đạt 95%; vốn chi xây dựng cơ bản tập trung đã giải ngân 61,299/62,083 tỷ đồng, đạt 99%.

Năm 2021, tỉnh phân bổ vốn đầu tư công cho 267 công trình cấp tỉnh quản lý với tổng nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 57 công trình và 28% về vốn đầu tư so với năm 2020. Vốn đầu tư công giải ngân đến ngày 6-5 là 1.084 tỷ đồng, đạt 29,3% kế hoạch.

Một dự án trọng điểm là xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, diện tích 10 ha, quy mô 1.000 giường, cao 10 tầng, tổng kinh phí xây dựng 2.350 tỷ đồng, đang gấp rút về đích. Đơn vị thi công - Công ty TNHH Thuận Phú cam kết thực hiện đúng tiến độ được giao, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9/2021, rút ngắn 2 tháng so với hợp đồng thi công. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hạn chế tình trạng bệnh nặng chuyển viện lên tuyến trên.

Hiện 12 sở trực thuộc tỉnh đã di dời về làm việc tại trụ sở mới. Dự kiến trong thời gian tới, diện tích đất còn lại sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động 3 trụ sở, gồm: Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang. Đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng thêm các trụ sở các cơ quan hành chính của tỉnh và các đơn vị sự nghiệp vào năm 2021.

Xây dựng quy trình, rõ ràng trách nhiệm

Tiền Giang dự kiến phân bổ vốn đầu tư công năm 2021 là 3.703,080 tỷ đồng. Để thực hiện tốt kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong phân cấp, quản lý đầu tư xây dựng công trình và đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.

Một trong những yêu cầu được lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đưa ra là các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 5/8/2020 của UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, khẩn trương hoàn tất hồ sơ thủ tục đầu tư, thiết kế dự toán, để triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu ngay từ đầu năm; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và giải ngân tốt nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và trong việc triển khai thực hiện, chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện dự án cụ thể; theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án; chủ động điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. 

Một trong những yếu tố quan trọng khác là cần chú trọng công tác đấu thầu và thực hiện dự án; tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện đấu thầu theo đúng quy định, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết, không có năng lực thực hiện dự án; xử lý các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp, hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình dự án khác.

Theo ông Nguyễn Đình Thông – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, trong tháng 5 cơ bản hoàn thành chủ trương đầu tư cho các dự án, đồng thời chuẩn bị các bước tiếp theo để khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ triển khai ngay các dự án khởi công mới, nhất là sử dụng nguồn vốn Trung ương.

Tại phiên họp thành viên UBND tỉnh tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các chủ đầu tư rà soát đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ triển khai các công trình phục vụ xây dựng xã, huyện nông thôn mới, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có lồng ghép các công trình trọng điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang: Hiệu quả từ việc chủ động ứng phó hạn mặn

    Tiền Giang: Hiệu quả từ việc chủ động ứng phó hạn mặn

    01:04, 11/05/2021

  • Tiền Giang: Đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

    Tiền Giang: Đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

    09:49, 05/05/2021

  • Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử

    Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử

    11:00, 26/04/2021

LÊ TRANG