Hải Dương đi đầu trong xã hội hóa vaccine
UBND tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến hết năm 2021 sẽ tiêm được 1 triệu liều Vaccine cho người dân, tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng về mục tiêu phòng chống dịch Covid – 19, xã hội hóa vaccine.
Xã hội hóa Vaccine
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về đợt dịch lần này?
Hải Dương là tỉnh có dân số đứng thứ 9 cả nước, và quy mô kinh tế đứng thứ 11 cả nước, dân số hiện nay là 2 triệu người. Theo các đánh giá khoa học, tỉnh luôn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm tốp đầu cả nước. Bởi lẽ, Hải Dương tiếp giáp 6 tỉnh xung quanh, 3 tuyến quốc lộ lớn đi qua, ngoài ra còn nhiều đường liên tỉnh, liên xã.
Trên địa bàn toàn tỉnh cũng có tới 11 khu công nghiệp với tổng số người lao động trong các khu công nghiệp là 360.000 người, trong đó khoảng 60.000 người lao động từ các tỉnh ngoài đến làm việc. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất hiện hữu.
Thực tế, làn sóng COVID - 19 diễn ra đợt 3, Hải Dương bị bùng phát dịch bệnh lớn nhất cả nước, cả tỉnh đã trải qua 64 ngày đêm kiên cường chống dịch.Trong quá trình đó, với sự chung tay của các doanh nhân doanh nghiệp, sự bảo hộ của cả hệ thống chính trị đã đẩy lùi được dịch bệnh và giữ vững thành quả trong 27 ngày.
Hải Dương hiện có 51 ca nhiễm, có 45 ca trong địa bàn TP Hải Dương, 1 ca được nhập cảnh cách ly ngay từ nhật bản vào và các ca khác tập trung ở TP Chí Linh. Hải Dương đã trải qua trận dịch lớn nhất tới nay với quy mô cấp tỉnh và đã có kinh nghiệm dập dịch. Tuy nhiên, những nguy cơ vẫn còn đó.
- Với đợt dịch lần này, tỉnh đã chuẩn bị như thế nào để không còn phải “đuổi theo dịch” như 64 ngày đêm đã trải qua, thưa ông?
Trong bối cảnh 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang căng mình chống dịch, vừa qua Hải Dương cũng đã sát cánh cùng 2 tỉnh chống dịch, cử 250 sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương hỗ trợ hai tỉnh tiếp giáp dập dịch, đồng thời nâng cao công tác phòng dịch, kiểm dịch và thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, công tác chống dịch rất phức tạp, và liệu có những đợt dịch tiếp theo không vẫn là một câu hỏi khó. Không những vậy, thực tế cũng cho thấy khoảng cách giữa các đợt dịch đang rút ngắn lại, Hải Dương đã chuyển hướng công tác phòng chống dịch đó là quyết tâm mua Vaccine tiêm cho người dân.
Hải Dương là tỉnh đi đầu trong cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính Phủ, giao cho MTTQ phát động cuộc vận động sâu rộng trong toàn dân huy động nguồn lực mua Vaccine tiêm cho người dân, đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng.
Để tỉnh có thể đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng cũng sẽ cần nguồn lực rất lớn. Với dân số trưởng thành khoảng 1,4 triệu người, cần phải tiêm Vaccine cho 70% số dân trưởng thành, tức là phải tiêm được 1 - 1,1 triệu người. Mỗi người phải tiêm 2 mũi vaccine, theo đó với phương án tiêm Vaccine Pfizer thì phải mua 2 - 2,2 triệu liều.
Hiện nay, tỉnh cũng đã đàm phán cùng một doanh nghiệp nhập khẩu và cung ứng vaccine báo giá 26 USD/liều. Với cơ chế tài chính, nếu tiêm cho người dân thì những người dân thuộc đối tượng được miễn sẽ được nhà nước hỗ trợ 30%, như vậy tỉnh phải chi trả khoảng 1.000 tỷ đồng để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đây là con số quá sức đối với tỉnh.
Tuy nhiên, nhìn lại hành trình chống dịch vừa qua, riêng phòng chống dịch đợt 3, Hải Dương đã tiêu tốn khoảng 700 tỷ đồng để dập dịch. Con số này nếu để mua vaccine sẽ kinh tế hơn và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc "đuổi theo dịch".
Do đó, tỉnh đã quyết tâm huy động các nguồn lực trên toàn tỉnh để tiêm cho người dân, đồng thời đề ra các cơ chế cho các doanh nghiệp đóng góp, thông qua tỉnh để tiêm Vaccine cho người lao động của mình.
Huy động nguồn lực và những cơ chế đặc biệt
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về cơ chế này đặc biệt này?
Chia sẻ với UBND tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tha thiết đặt vấn đề được tỉnh hỗ trợ để tiêm Vaccine cho người lao động. Theo đó, hiện chúng tôi đang đàm phán để mua Vaccine và xây dựng cơ chế để doanh nghiệp chi trả và tỉnh đứng ra tiêm cho công nhân.
Mặt khác, để xã hội hóa Vaccine, tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế, vấn động những người có đủ điều kiện chi trả tiêm Vaccine có trả phí. Còn những người không có điều kiện, tỉnh sẽ dùng nguồn lực huy động được để tiêm miễn phí cho người dân.
- Hiện tỉnh Hải Dương đã huy động được nguồn lực này tới đâu thưa ông?
Tôi rất cảm ơn hàng chục doanh nghiệp đã ủng hộ trong thời gian kêu gọi vừa qua. Kể từ khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương phát động toàn dân quyên góp tiền mua vaccine Covid-19, số tiền tỉnh đã huy động được khoảng 70 tỷ đồng. Và ngày 4/6/2021, hơn 20 tỷ đồng tiếp tục được các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trao tặng tỉnh. Như vậy, tính đến nay tỉnh đã huy động được hơn 90 tỷ đồng. Đây là nguồn lực hết sức quý giá bởi Hải Dương đã huy động ngân sách gần như đến đồng cuối cùng để chi ra dập dịch.
Chúng tôi đã đàm phán đợt đầu, nếu thành công sẽ được mua được 200.000 liều Vaccine và cứ sau 21 ngày sẽ được tiếp ứng thêm 200.000 liều. Hải Dương phấn đấu hết năm 2021 tiêm được khoảng 1 triệu liều.
Tỉnh đang kế hoạch huy động lực lượng y bác sĩ chuẩn bị cho công tác tiêm Vaccine số lượng lớn. Hiện, chúng tôi đã tiêm được 60.000 liều Vaccine astrazenecavà chuẩn bị tiêm tiếp 58.000 liều.
Hải Dương quyết tâm cố gắng để tạo nên miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ |
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương tiếp tục giãn cách xã hội 11 huyện, thị, thành
16:55, 04/06/2021
Những cô gái tình nguyện rời Thủ đô về tâm dịch Hải Dương làm nhiệm vụ
04:00, 03/06/2021
Hòa Phát ủng hộ Quỹ vacxin tỉnh Hải Dương 10 tỷ đồng
16:50, 28/05/2021
TP Hải Dương: Từ 0h ngày 25/5 sẽ thực hiện giãn cách xã hội đối với 10 phường
18:49, 24/05/2021
Hải Dương: Sáng tạo trong bầu cử, "chiến thắng" COVID-19 bằng tự cường
13:25, 23/05/2021
Cử tri Hải Dương trao gửi niềm tin vào những lá phiếu bầu cử
11:00, 23/05/2021