Quảng Nam: Thủy điện Sông Tranh 4 chậm tiến độ do đâu?

TUẤN VỸ 15/06/2021 14:46

Chưa đạt thỏa thuận về giải phóng mặt bằng (GPMB), thủy điện Sông Tranh 4 tại Quảng Nam vẫn chưa thể tích nước, phát điện như dự kiến.

Được đầu tư hơn 1700 tỉ đồng, thủy điện Sông Tranh 4 nằm trên địa phận hai huyện Hiệp Đức và Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đang mòn mỏi chờ ngày được phát điện.

Nhùng nhằng việc bồi thường

Để triển khai dự án thủy điện Sông Tranh 4, các địa phương đã tính đến việc bồi thường cho 415 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay việc GPMB khu vực lòng hồ thủy điện chỉ đạt ở mức 98%. Chưa được bàn giao mặt bằng cho nên nhà máy vẫn chưa thể thực hiện việc tích nước, phát điện mặc dù tại phương án hoạt động nêu rõ sẽ hoạt động từ tháng 12/2020.

Theo tìm hiểu, hiện nay chỉ còn lại 18 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do ảnh hưởng của dự án (Hiệp Đức 2, Tiên Phước 16). Các hộ dân này cho rằng mức giá đền bù của dự án thấp hơn nhiều lần so với tổn thất về đất đai, hoa màu,... Đồng thời, nhiều người cho rằng diện tích được bồi thường lại ít hơn rất nhiều so với diện thích thực tế.

Gần 20 hộ dân không đồng thuận phương án bồi thường, thủy điện Sông Tranh 4 vẫn chưa tích nước, phát điện như dự tính.

Gần 20 hộ dân không đồng thuận phương án bồi thường, thủy điện Sông Tranh 4 vẫn chưa tích nước, phát điện như dự tính.

Ông Nguyễn Văn Thứ - người dân xã Quế Lưu (huyện Hiệp Đức) cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh bởi mức giá đền bù quá thấp, không đủ đảm bảo an sinh cho cuộc sống sau này. Hộ ông Thứ có hơn 1ha đất trồng cây lâu năm và 3 sào ruộng tại khu vực lòng hồ, tuy nhiên trong phần kiểm kê để áp giá bồi thường lại thiếu đi một phần diện tích ruộng nên ông vẫn chưa nhận tiền.

“Hiện phía dự án chỉ mới áp giá bồi thường đối với 1ha đất trồng cây lâu năm và 1 sào ruộng, còn 2 sào kia thì lại không thêm vào kiểm kê khiến tôi bị thiệt quá nhiều. Ngoài ra, với đơn giá bồi thường như hiện nay là quá thấp, không đủ để gia đình ổn định cuộc sống cho sau này. Người dân mong muốn giá bồi thường cao hơn bởi việc chuyển đổi ngành nghề hiện nay là rất khó, mất đất mất ruộng khiến nguy cơ thất nghiệp càng tăng cao”, ông Nguyễn Văn Thứ nói.

Để giải quyết các vấn đề trên, ông Nguyễn Mậu Hóa – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng  và phát triển quỹ đất huyện Hiệp Đức đã có văn bản gửi ông Thứ về việc công khai giá trị điều chỉnh, bồi thường, hỗ trợ trong việc xây dựng đập thủy điện. Tại văn bản nêu rõ, đến ngày 14/6/2021 hộ ông Thứ cần phải có phản hồi về việc đồng ý hay không đồng ý việc nhận tiền bồi thường. Nếu như không có phản hồi thì được xem như đã thống nhất. Tuy nhiên, việc này đã khiến người dân càng thêm bức xúc.

“Văn bản gửi đến tận nhà một người mù lòa sống neo đơn như tôi thì làm sao có thể giải quyết nhanh được, như vậy khác gì áp đặt tôi vào tình thế khó?”, ông Thứ thắc mắc.

Ngoài ông Thứ, nhiều hộ dân còn lại tại hai địa phương này cũng gặp trường hợp tương tự khi diện tích đất bị giảm xuống đáng kể. Nhiều người cho rằng việc kiểm kê và bồi thường không nhất quán dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó bức xúc nhất vẫn là giá trị bồi thường bị giảm đáng kể, mất đi một khoảng lớn dành cho an sinh xã hội.

Cưỡng chế nhân dân?

Không đạt thỏa thuận với người dân khiến thủy điện “đứng bánh” hơn 6 tháng, chính quyền các địa phương cũng đang trong quá trình loay hoay để vận động. Sau nhiều lần bất thành, các địa phương thống nhất sẽ tiến hành cưỡng chế trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết những vướng mắc của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được tháo gỡ. Về vấn đề diện tích đất bị giảm sút, vị này cho rằng phần diện tích ấy thuộc về bờ sông, bãi đá không canh tác được nên không được tính vào diện tích bồi thường.

“Năm 2018 địa phương đã tiến hành đo đạc làm hồ sơ giải thửa nhưng xem xét lại có một số diện tích không đúng. Sau đó đơn vị đo đạc đã tính toán lại vào năm 2019 và diện tích đất được bồi thường đã có giảm. Sở Tài nguyên & Môi trường đã khẳng định hồ sơ giải thửa năm 2019 là chính xác nhưng người dân không đồng tình”, ông Nguyễn Hùng Anh nói.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất gửi văn bản đến các hộ gia đình vận động nhận tiền bồi thường.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất gửi văn bản đến các hộ gia đình vận động nhận tiền bồi thường.

Cũng theo người này, trong thời gian tới nếu địa phương vẫn không vận động được thì sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật vào cuối tháng 6 tới để thủy điện có thể tích nước.

Phóng viên liên hệ ông Hoàng Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức được biết địa phương này cũng đã lên phương án về việc cưỡng chế. Ông Hùng cho biết địa phương cũng đang thực hiện song song việc vận động người dân để thủy điện của thể tích nước càng sớm càng tốt.

“Hiện tại, địa phương vẫn đang chờ phòng Tài nguyên và Môi trường trình hồ sơ hoàn chỉnh để sớm triển khai. Địa phương có 275 hộ nhưng chỉ còn 2 hộ dân chưa đồng ý, địa phương đã những chính sách có lợi nhất để vận dụng tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Xã hội hóa tiêm vaccine COVID-19 để khôi phục du lịch

    Quảng Nam: Xã hội hóa tiêm vaccine COVID-19 để khôi phục du lịch

    13:41, 12/06/2021

  • Xe Huế “đại náo” Quảng Nam, Đà Nẵng (Kỳ I): Cơ quan chức năng làm ngơ?

    Xe Huế “đại náo” Quảng Nam, Đà Nẵng (Kỳ I): Cơ quan chức năng làm ngơ?

    16:06, 11/06/2021

  • Loạn mua bán đất nền, chính quyền Quảng Nam ra tay “siết”

    Loạn mua bán đất nền, chính quyền Quảng Nam ra tay “siết”

    12:58, 07/06/2021

  • Quảng Nam và câu chuyện quota khí thải

    Quảng Nam và câu chuyện quota khí thải

    04:24, 07/06/2021

  • Quảng Nam: Thu ngân sách tăng 60% trong 5 tháng đầu năm bất chấp COVID-19

    Quảng Nam: Thu ngân sách tăng 60% trong 5 tháng đầu năm bất chấp COVID-19

    08:16, 05/06/2021

TUẤN VỸ