Kiên Giang - điểm sáng ngoại giao kinh tế
Kiên Giang là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc và cách xa trung tâm kinh tế lớn TP HCM, nhưng là tỉnh có các hoạt động ngoại giao kinh tế hiệu quả với 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kiên Giang luôn “giữ ngôi" thứ 2 của Đồng bằng sông Cửu Long về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ 10 năm qua với tổng vốn đầu tư trên 2,7 tỷ USD và lũy kế đến nay là trên 4,8 tỷ USD.
Kinh tế đối ngoại rộng mở
Nhằm chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh tham gia hiệu quả vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như các nền kinh tế mới nổi.
Theo lũy kến đến nay, tỉnh Kiên Giang thu hút 62 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đến nay là 4.808,149 triệu USD. Vốn FDI đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận chuyển dầu khí, thương mại dịch vụ... Trong đó là của các nhà đầu tư đến từ 19 Quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Malaysia, Úc, Thụy Điển, Trung Quốc, Thái Lan, Philippine, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, hàng hóa của tỉnh xuất khẩu sang 35 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với một số mặt hàng chủ lực như thủy sản (tôm đông, cá đông, mực đông), gạo, giày da... Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 12,58%/năm. Riêng sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất và máy móc thiết bị.
Lĩnh vực du lịch có nhiều bước tiến đáng kể của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, điểm du lịch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất với 826 cơ sở lưu trú với 28.588 phòng. Công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch được nâng lên về chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Theo đó tổng số lượt khách du lịch đến Kiên Giang trước năm 2020 đều đạt ở mức trên 7 triệu lượt khách/năm, cụ thể năm 2018 đạt trên 7,7 triệu lượt, năm 2019 đạt trên 8,7 triệu lượt. Trong đó du khách quốc tế chiếm trên 30% gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Malaysia, Đức, Pháp, Anh, Úc, Thụy Điển, Nhật Bản, Ấn Độ...
Kiên Giang luôn “giữ ngôi" thứ 2 của Đồng bằng sông Cửu Long về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 10 năm qua.
Chủ động hội nhập toàn diện
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết, thời gian qua Trung tâm không ngừng đa dạng hóa các kênh, nguồn thông tin, tranh thủ tối đa để hội nhập và hợp tác với các đối tác nước ngoài như: Hội doanh nghiệp Nhật Bản, Ấn độ, Mã lai, Singapore, Thái Lan, Anh quốc, Mỹ, Úc, Đức, Hàn quốc, Ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (GIC/AHK)...
"Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay đang tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường với những biến động mạnh mẽ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Nhật Hàn, đại dịch COVID-19, xu hướng chuyển dịch đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng… Điều này đặt ra cho công tác xúc tiến trong kinh tế đối ngoại những thách thức và cơ hội mới", bà Thảo chia sẻ và đề ra một số mục tiêu như sau:
Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu tìm kiếm và mở rộng thị trường mới cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục phát triển thị trường hiện có cho hàng hóa địa phương. Không ngừng tìm kiếm lĩnh vực, phương thức hợp tác mới nhằm tăng cường lợi ích với các đối tác chiến lược; Tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP…) để củng cố các thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường mới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế trong công tác xúc tiến về kinh tế đối ngoại phù hợp với từng nhóm đối tác; chú trọng quan hệ kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, trong đó cần xem lợi ích về kinh tế gắn với chính trị, an ninh, quốc phòng.
Thứ ba, định hướng và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đa dạng hình thức, nội dung quảng bá, xúc tiến kinh tế đối ngoại bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư và xúc tiến du lịch. Về cách làm, cần đổi mới hình thức, quy mô, cách thức triển khai công tác ngoại giao kinh tế về hoạt động xúc tiến, đảm bảo các hoạt động được triển khai hiệu quả, thực chất; bám sát nhu cầu phát triển của tỉnh và doanh nghiệp; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng những công nghệ mới.
Thứ tư, Bộ Ngoại giao xem xét hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về ngoại giao kinh tế trong xúc tiến kinh tế đối ngoại cho cán bộ địa phương để có khả năng thích nghi nhanh với bối cảnh và tình hình mới.
Có thể bạn quan tâm