Quảng Nam sẽ cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho thủy điện Sông Tranh 4
Để thủy điện Sông Tranh 4 sớm tích nước phát điện, tỉnh Quảng Nam đã chốt hạn giải phóng mặt bằng, cưỡng chế đối với các hộ dân vẫn chưa nhận tiền bồi thường.
Tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cùng các địa phương, đơn vị có liên quan đến thủy điện Sông Tranh 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có kết luận về việc giải phóng mặt bằng (GPMB) còn lại tại dự án này. Theo đó, thời gian qua, các địa phương Hiệp Đức, Tiên Phước cùng với chủ đầu tư dự án đã tổ chức vận động, bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc vẫn phát sinh một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm đưa nhà máy vào vận hành phát điện, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương có biện pháp quyết liệt hơn, khẩn trương xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB cho dự án.
Tại kết luận của ông Nguyễn Hồng Quang, đối với 2 trường hợp (hộ bà Tạ Thị Đáng và ông Nguyễn Văn Thứ tại Hiệp Đức) đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng không thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng. UBND huyện Hiệp Đức chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu phê duyệt điều chỉnh mức giá bồi thường theo thời điểm phương án bồi thường được phê duyệt. Thông báo, niêm yết và tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận, sớm nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Những trường hợp không chấp hành, thống nhất UBND huyện Hiệp Đức kiểm tra, rà soát và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, cơ sở pháp lý liên quan đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để tiến hành cưỡng chế. Địa phương lập kế hoạch cưỡng chế, bảo vệ thi công. Thời gian hoàn thành việc bồi thường, GPMB trước ngày 10/7.
Đối với 16 hộ dân tại huyện Tiên Phước, ông Quang yêu cầu UBND huyện Tiên Phước ra soát, hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật và ban hành quyết định cưỡng chế. Trong đó, địa phương xây dựng kế hoạch cưỡng chế cụ thể, xác định rõ mốc thời gian thực hiện. Trước mắt, sẽ lựa chọn 2 - 3 trường hợp để ưu tiên tập trung lực lượng tổ chức triển khai. Thời gian hoàn thành việc bồi thường, GPMB trước ngày 10/7.
"Công ty cổ phần thủy điện Sông Tranh 4 chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Sở, ngành liên quan tập trung giải quyết các tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB. Theo đó, tính toán để xây dựng kế hoạch tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 4 đảm bảo đồng bộ, phù hợp với tình hình diễn biến thời tiết và phục vụ dân sinh vùng hạ du. Đồng thời, thực hiện đầy đủ cam kết với địa phương, quan tâm, hỗ trợ để cùng với địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân trên địa bàn", văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang nêu rõ.
Trước đó, DĐDN đã có loạt bài về việc thủy điện Sông Tranh 4 (tổng mức đầu tư 1700 tỉ đồng) chưa thể tích nước, phát điện như dự kiến do vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB. Tại huyện Hiệp Đức và huyện Tiên Phước vẫn còn 18 hộ dân không thống nhất với phương án đền bù mà địa phương triển khai.
Theo đó, người dân cho rằng mức giá đền bù hiện tại là quá thấp, không đảm bảo được an sinh xã hội, chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ bị thu hồi đất. Đồng thời, nhiều hộ dân cho rằng tại công tác kiểm kê đền bù của địa phương đã thiếu đi nhiều diện tích đất, do đó diện tích được bồi thường ít hơn so với diện tích thực tế.
"Người dân muốn được đảm bảo quyền lợi khi diện tích đất sản xuất đã bị thu hồi toàn bộ bởi việc chuyển đổi ngành nghề hiện tại là rất khó", ông Nguyễn Văn Thứ, một trong những hộ dân tại huyện Hiệp Đức chưa nhận tiền bồi thường cho hay.
Đồng thời, người dân địa phương cũng nhắc đến việc nhà máy cử người đến gây áp lực, ép ký nhận biên bản đồng ý nhận bồi thường. Vụ việc đang được Công an huyện Hiệp Đức thụ lý hồ sơ để giải quyết.
Có thể bạn quan tâm