Theo phản ánh của người dân địa phương, thủy điện Sông Tranh 4 đã cử người đến tận nhà dân để gây áp lực, ép người dân ký biên bản nhận tiền.
Dự kiến tích nước, phát điện vào tháng 12/2020 nhưng thủy điện Sông Tranh 4 với mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng hiện nay vẫn chưa hoạt động được vì vướng giải phóng mặt bằng.
Thủy điện tự đi “vận động”?
Theo đơn thư phản ánh đến DĐDN của người dân địa phương, để thủy điện được sớm đi vào hoạt động, người dân cho rằng nhà máy đã chọn cách cử người đến tận nhà để gây áp lực. Việc đó dẫn đến sự bất nhất giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp khi UBND huyện Hiệp Đức cũng đang vận động từng ngày.
Nằm trong 2 hộ còn lại chưa nhận tiền bồ thường của thủy điện Sông Tranh 4, hộ ông Nguyễn Văn Thứ - xã Quế Lưu (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cho biết lý do ông vẫn chưa nhận tiền là do mức giá bồi thường quá thấp nên không thể đồng ý được. Ngoài ra, tại biên bản kiểm kê bồi thường hộ của ông còn bị thiếu đi 2 sào ruộng canh tác. Cũng vì nguyên nhân đó, đã nhiều lần người của nhà máy đến tận nhà để gây áp lực, ép ông đồng ý nhận tiền bồi thường.
Ông Thứ cho biết, vào ngày 12/5 đã có một nhóm người từ xưng là người của nhà máy đến để “nói chuyện” về việc ông chưa nhận tiền bồi thường. Vì nhà máy làm đường tránh gây thiệt hại đến hoa màu nhưng không đền bù nên ông Thứ kiên quyết không ký giấy nhận tiền. Lập tức người đó trở về nhà máy và mang đến số tiền đền bù thiệt hại là 4.500.000 đồng để đưa cho ông Thứ.
“Số tiền người kia đưa cho tôi chỉ là tiền đền bù hoa màu bị hư hại do nhà máy gây ra, còn tiền bồi thường đất bị thu hồi cho lòng hồ thủy điện tôi vẫn chưa nhận vì còn nhiều vướng mắc, lập tức người đó có hành vì hăm dọa tôi và gia đình sau đó bỏ về”, ông Nguyễn Văn Thứ nói.
Tiếp tục ngày sau đó, nhóm người này lại đến nhà ông Thứ với số lượng đông hơn để gây áp lực. Tuy nhiên, sau khi gia đình ông Thứ gọi đến Công an huyện Hiệp Đức thì nhóm người này đành bỏ về. Ngay sau đó, gia đình ông Thứ đã đến UBND huyện và Công an huyện để báo cáo sự việc.
“Là một người mù lòa sống neo đơn, việc thường xuyên có người đến nhà gây áp lực đã khiến tâm lý của tôi không được ổn định, thường xuyên lo lắng”, người này nói thêm.
Để rộng đường dư luận, phóng viên tiếp tục liên hệ đến ông Nguyễn Bá Tùng - đại diện thủy điện Sông Tranh 4 để tìm hiểu thực hư. Tuy nhiên, ông này cho rằng về vấn đề này phóng viên nên tìm cơ quan chức năng để trả lời. Đồng thời, người này cũng phủ nhận việc nhà máy cử người đến nhà dân tạo áp lực. Đối với các thông tin liên quan đến thủy điện ông Tùng sẽ cung cấp sau nếu như phóng viên quay lại để làm việc.
Địa phương... chờ xác minh
Để tìm hiểu thêm về việc người dân từ chối nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Sông Tranh 4, phóng viên DĐDN đã liên hệ ông Hoàng Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND Hiệp Đức. Được biết, vấn đề người dân phản ánh về việc đơn giá đền bù thấp, diện tích đất được bồi thường thấp hơn diện tích thực địa phương đã nắm bắt. Tuy nhiên, sau một thời gian vận động không thành địa phương này đã tính đến việc cưỡng chế người dân.
“Người dân có đến UBND huyện để báo về việc có người đến nhà gây áp lực, nhưng người có phải từ nhà máy thì không rõ”, ông Hoàng Văn Hùng cho biết.
Ông Bùi Hồng Tình – Trưởng Công an huyện Hiệp Đức thì được biết đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ báo cáo của gia đình ông Nguyễn Văn Thứ. Theo ông Tình, sắp tới đơn vị sẽ hoàn chỉnh hồ sơ và trả lời cho ông Thứ được biết.
“Hiện tại, phía Công an đang thụ lý giải quyết và chờ xác minh xe chở người đến vì xe này ở địa phương khác chứ không phải trên địa bàn huyện. Ngay sau khi tìm kiếm đầy đủ thông tin đơn vị sẽ có câu trả lời ngay”, Trưởng Công an huyện Hiệp Đức cho hay.
Được biết, huyện Hiệp Đức chỉ còn lại 2 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường từ dự án thủy điện Sông Tranh 4. Ngoài ra, tại huyện Tiên Phước cũng còn 16 hộ tương tự.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm