Bến Tre: Chung tay cải thiện môi trường đầu tư
Tỉnh Bến Tre Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, XÂY DỰNG các cơ chế, chính sách phù hợp…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, XÂY DỰNG các cơ chế, chính sách phù hợp… là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025. Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre, các địa phương trong tỉnh đã đề ra các chương trình hành động nhằm góp phần xây dựng và phát triển Bến Tre nhanh và bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng:
Phát triển kinh tế biển là khâu đột phá
Trong 5 năm tới, huyện Ba Tri sẽ lấy phát triển kinh tế biển là khâu đột phá. Để chọn điểm nhấn đầu tư phát triển, huyện xác định một số công trình, dự án trọng điểm như: dự án điện gió V13-I, dự án điện gió Bảo Thạnh; cảng cá, khu đô thị biển xã An Thủy; xây dựng điểm du lịch tâm linh, khu resort ven biển, cụm du lịch ven biển xã Bảo Thuận; cụm công nghiệp (CCN) và khu dân cư xã Tân Xuân; CCN xã An Hòa Tây; các khu dân cư mới của thị trấn Ba Tri; cụm du lịch sinh thái cộng đồng cù lao Đất xã An Hiệp; đồng thời cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ba Tri hiện đang tập trung mời gọi lấp đầy CCN Thị trấn - An Đức để giải quyết việc làm tại chỗ; xúc tiến mời gọi CCN An Hòa Tây; triển khai các bước xây dựng CCN Tân Xuân nhằm khai thác lợi thế tuyến đường bộ 173 và tuyến Bắc - Nam...
Theo định hướng, trục giao thông động lực ven biển tương lai sẽ vắt ngang qua Ba Tri. Việc xây dựng thành phố biển Ba Tri và là trung tâm của khu kinh tế ven biển tỉnh trong tương lai gần. Định hướng giải pháp tầm nhìn hướng Đông, huyện sẽ tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển kinh tế biển theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đặc biệt, huyện xác định huy động tất cả các nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại IV, V, tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn xây dựng đô thị loại IV thị trấn Ba Tri, nâng chất các tiêu chuẩn đô thị loại V, thành lập thị trấn Tiệm Tôm. Phấn đấu, vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt gần 30 ngàn tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh:
Tập trung xây dựng đô thị thông minh
TP. Bến Tre đã và đang thu hút rất nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô lớn, với tổng diện tích hơn 2.000ha. Trong đó, có 6 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư và đang triển khai thực hiện với diện tích 122ha; 10 dự án đã thông qua Nghị quyết HĐND về phương án đề xuất dự án với diện tích 1.800ha, 5 dự án UBND tỉnh đã cho chủ trương khảo sát với diện tích 125ha và nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ thương mại, công nghệ thông tin đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ TP. Bến Tre và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2030. Để xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thu hút, tăng nhanh quy mô dân số và mật độ dân số đô thị. Theo đó, sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển đô thị, CCN, trường học, bệnh viện, các loại hình thương mại - dịch vụ gắn với phát triển du lịch, công nghiệp và xây dựng... Đồng thời, triển khai Nghị quyết về đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực như: chiếu sáng, giao thông, môi trường, chuyển đổi số… hướng đến xây dựng Bến Tre thành đô thị hiện đại, coi đây là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là điều kiện để TP. Bến Tre phát triển đột phá, đạt các mục tiêu trên gắn với mô hình thành phố thông minh, xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền điện tử.
Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Võ Văn Út:
Mỏ Cày Nam đẩy mạnh chuyển đổi số
Đến nay 100% cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn đã triển khai phần mềm cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
Hiện tại, Mỏ Cày Nam đã công khai 342/342 thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện, đạt 100%.
Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã tiếp nhận và xử lý 3.755 hồ sơ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai thực hiện tốt hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffce với tổng số 11.159 văn bản đi và đến, đạt tỷ lệ 99% và hệ thống chữ ký số với 92 chứng thư số. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một số lĩnh vực triển khai thực hiện chuyển đổi số đạt kết quả khá tốt như: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học của ngành giáo dục; các phần mềm quản lý từng lĩnh vực chuyên môn về tài nguyên môi trường; phần mềm số hóa trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật và nông thôn mới của ngành nông nghiệp; phần mềm quảng bá tiềm năng du lịch Mỏ Cày Nam...
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương:
Thạnh Phú ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Huyện Thạnh Phú đã xác định phát triển đa dạng kinh tế biển, như: phát triển công nghiệp, năng lượng sạch; nuôi, khai thác, chế biến thủy sản; phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ biển và phát triển đô thị ven biển.
Trong lĩnh vực năng lượng, trên địa bàn huyện Thạnh Phú hiện có 7 vị trí được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư điện gió với tổng vốn đầu tư trên trên 12 ngàn tỷ đồng; với 185 trụ tua - bin, tổng công suất 422,7MW. Hiện có 3 dự án điện gió đã triển khai gồm: Dự án Nhà máy điện gió số 5, Dự án điện gió Nexif Energy Bến Tre, Dự án Nhà máy điện gió Thạnh Phong. Dự kiến đến cuối năm 2021, 3 dự án này sẽ vận hành và đưa vào hệ thống lưới điện quốc gia, với công suất 90MW và 2 dự án khác đang triển khai.
Cùng với đó, huyện Thạnh Phú cũng tập trung dịch chuyển cơ cấu từ nuôi, khai thác thủy sản truyền thống sang nuôi, khai thác ứng dụng công nghệ cao, gắn với chuỗi giá trị và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp...
Có thể bạn quan tâm