Bến Tre: Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn
Tỉnh Bến Tre đã và đang đầu tư đa dạng hóa và phát triển các phân khúc du lịch trọng tâm, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sở hữu nhiều tài nguyên du lịch, đặc biệt là phân khúc sinh thái, thiên nhiên, để đón đầu làn sóng tăng trưởng du lịch mạnh trong thời gian tới sau khi dịch COVID -19 qua đi, tỉnh Bến Tre đã và đang đầu tư đa dạng hóa và phát triển các phân khúc du lịch trọng tâm, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Tỉnh Bến Tre với lợi thế sở hữu nhiều tài nguyên du lịch, đặc biệt là phân khúc sinh thái, thiên nhiên phong phú. Bến Tre có nhiều sông rạch, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa, lịch sử; 18 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 56 di tích cấp tỉnh đã được công nhận xếp hạng... Vì vậy, tỉnh có điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, như: du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch MICE… Trong Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Bến Tre đã xác định “Tập trung xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, trên cơ sở định hướng chung của Tỉnh ủy, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách.
Đến nay, cơ sở hạ tầng xã hội cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và các nhà đầu tư tiếp cận đến các khu, điểm du lịch nằm trong vùng quy hoạch. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, nên chất lượng ngày càng được nâng lên theo hướng chuyên nghiệp.
Công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện thường xuyên, luôn đổi mới về cách thức, phương thức, nội dung nên ngày càng thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước biết và đến Bến Tre. Theo ông Nguyễn Văn Bàn, sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch
Bến Tre định hướng phát triển đưa du lịch và dịch vụ liên quan thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với tỷ trọng GRDP cao hơn 8%. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Bàn, trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ý thức giữ gìn, xây dựng văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện, hướng đến mục tiêu mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch để thu hút du khách, phát triển mạnh du lịch gắn với xuất khẩu hàng nông sản tại chỗ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cùng với việc tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch đã được tỉnh phê duyệt như: Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, Đề án Phát triển du lịch xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú... Bến Tre cũng sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.
Theo ông Bàn, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành. Do vậy, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cùng với việc chuẩn bị lên kế hoạch kinh doanh, ngành du lịch Bến Tre và các doanh nghiệp đã tăng cường đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện đang áp dụng; đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp du lịch trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong bối cảnh hiện nay cả thế giới đang cùng chung tay chống dịch Covid-19; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư tham gia phát triển các loại hình, sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch và các hoạt động sinh kế khác” – ông Bàn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm