Hải Phòng: Thu phí hạ tầng cảng biển bằng cổng thanh toán điện tử hải quan
Từ ngày 01/08/2021 thành phố Hải Phòng sẽ dừng thu phí hạ tầng cảng biển bằng tiền mặt để điều chuyển nhiệm vụ thu phí này từ sở Tài chính sang sở Giao thông vận tải.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố đã đồng ý với chủ trương điều chuyển nhiệm vụ thu phí hạ tầng cảng biển từ sở Tài chính sang sở Giao thông vận tải theo đề xuất của sở Tài chính. Ông Tùng đã giao sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất, báo cáo UBND thành phố ban hành quy trình thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng; bố trí kinh phí chi trả cho các ngân hàng để thực hiện dịch vụ thu phí hạ tầng cảng biển không dùng tiền mặt; xây dựng hệ thống thu phí dự phòng; đồng thời dự thảo thông báo về việc dừng thu phí hạ tầng cảng biển bằng tiền mặt kể từ ngày 01/08/2021.
Sở Giao thông vận tải báo cáo thực trạng tổ chức bộ máy, nhân sự đang làm việc tại Cảng vụ đường thủy nội địa Hải Phòng, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức, nhân sự để thực hiện nhiệm vụ thu phí hạ tầng cảng biển từ sở Tài chính chuyển sang.
Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan lập đề án, dự thảo tờ trình của ban cán sự đảng UBND thành phố báo cáo ban thường vụ Thành ủy về chủ trương việc điều chuyển nhiệm vụ thu phí hạ tầng cảng biển từ sở Tài chính sang sở Giao thông vận tải thực hiện.
Cục Hải quan, sở Tài chính cùng các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực phối hợp hỗ trợ sở Giao thông vận tải về kinh nghiệm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng – PTGĐ công ty XNK Quảng Ninh cho biết: Việc thu phí hạ tầng cảng biển không dùng tiền mặt và thu phí hạ tầng cảng biển qua cổng thanh toán điện tử hải quan của thành phố, đây cũng được xem là giải pháp nhằm ứng phó với dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, TP Hải Phòng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan bổ sung phương thức nộp phí cảng biển vào cổng thanh toán điện tử hải quan.
Trước đó, ngày 01/01/2017, UBND thành phố Hải Phòng đã triển khai Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND, ngày 13/12/2016 của HĐND thành phố Hải Phòng về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Trong đó có nêu rõ mức phí áp dụng đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan thu 2,2 triệu đồng/container 20 feet hàng khô và 4,4 triệu đồng/container 40 feet hàng khô, 2,3 triệu đồng/container 20 feet hàng lạnh và 4,8 triệu đồng/container 40 feet hàng lạnh, 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời...
Sau đó, ngày 01/01/2018, thành phố Hải Phòng đã điều chỉnh giảm mức thu đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu là hàng lỏng, hàng rời được điều chỉnh giảm từ 20.000 đồng/tấn xuống còn 16.000 đồng/tấn (giảm 20%).
Những ngày đầu triển khai công tác thu phí này UBND TP Hải Phòng đã gặp phải rất nhiều phản ứng. Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển. Hải Phòng đã tham khảo mức thu phí tại các địa phương có cửa khẩu đất liền như: Quảng Trị, Tây Ninh, Lào Cai, và gần nhất Hải Phòng là Quảng Ninh. Và căn cứ vào tình hình thực tế của các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này trên địa bàn để xây dựng mức phí. Người đứng đầu UBND TP Hải Phòng cũng khẳng định: “Toàn bộ nguồn kinh phí thu được từ thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được đầu tư vào việc duy tu, bảo dưỡng và xây mới các công trình giao thông”.
Hải Phòng là địa phương tiên phong trong việc thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển. Khi tiến hành áp dụng loại phí này, Hải Phòng gặp phải phản ứng của rất nhiều doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, việc thu phí dịch vụ cảng biển được Hải Phòng thực hiện khá "trơn tru”. Đây cũng chính là mô hình để nhiều địa phương có cảng biển học tập kinh nghiệm.
Nhờ có thu phí hạ tầng cảng biển mà UBND TP Hải Phòng đã mạnh dạn đầu tư một số công trình phục vụ giao thông sau cảng như nâng cấp đường 356 từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ - tuyến đường huyết mạch thường xuyên xảy ra tắc nghẽn (Cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Hồng Phong). Một số dự án đã làm thay đổi bộ mặt thành phố Hải Phòng điển hình như: dự án đầu tư xây dựng cầu vượt Big C với số tiền trên 300 tỷ đồng; dự án trải Asphalt mặt đường các tuyến phố Hải Phòng tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng; Nút giao thông Nam Cầu Bình 1.411 tỷ đồng…
Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, số thu phí hạ tầng Cảng biển của Hải Phòng đạt 556 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ
03:30, 05/07/2021
Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM: (Kỳ 1) Hàng quá cảnh đi Campuchia mất lợi thế!
04:00, 30/06/2021
Nghịch lý phí hạ tầng cảng biển Hải Phòng
13:49, 28/05/2021
Nhiều hiệp hội kiến nghị dừng thu phí hạ tầng cảng biển
03:00, 25/05/2021