Bãi Cháy (Quảng Ninh): Giấc mơ buồn xóm trọ
Theo thống kê của Ban quản lý KKT Quảng Ninh, KCN Cái Lân, TP Hạ Long có trên 4.800 lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân khoảng 1.400 người, hiện chưa có DN nào đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.
Cách khu vui chơi giải trí hiện đại với hàng ngàn căn hộ cao tầng, biệt thự cao cấp Bãi Cháy (TP Hạ Long) chỉ hơn cây số là khu công nghiệp (KCN) Cái Lân, nơi có hàng ngàn công nhân đang lầm lũi làm việc và sinh sống với điều kiện vô cùng khó khăn.
Và họ, thậm chí còn không dám mơ về một căn hộ cấp 4 be bé của riêng mình làm chốn đi về sau lúc tan ca. Ngay cả nhu cầu giải trí bình thường cho đời sống tinh thần, với họ cũng là thứ xa xỉ, bởi lẽ họ đang phải gồng mình, dù chỉ để đáp ứng được nhu cầu cuộc sống ở mức đơn giản nhất.
Nỗi buồn xóm trọ
Những ngày đầu tháng 7, Hạ Long hứng đợt nóng gay gắt. Gần 17h chiều, dọc con đường dẫn vào dãy phòng trọ tổ 1, khu 10 phường Bãi Cháy, loạt nhà hàng, quán ăn bắt đầu sáng đèn, từng nhóm người với những chiếc xe ô tô sang chảnh ra vào nhộn nhịp.
Nhưng đi sâu vào chút nữa, vào khu phòng trọ với các dãy liền kề san sát, nơi có đông công nhân KCN Cái Lân thuê lại là sự vắng vẻ, trầm lắng với nhiều căn phòng lụp sụp, cũ nát đang cửa đóng, then cài vì nhiều công nhân đang làm thêm ca tại các phân xưởng.
Tôi bước vào một căn phòng mở cửa, sau tiếng mời chào của chủ nhà. Mặc dù đã là cuối giờ chiều nhưng căn phòng trọ rộng khoảng 20m2 của vợ chồng anh Phạm Văn Toàn, công nhân công ty Sợi hóa học, quê Quảng Yên vẫn vô cùng ngột ngạt, cảm giác như giữa trưa nắng. Mồ hôi tôi vã ra, mắt nhìn quanh tìm quạt. Anh Đài vội vã bật quạt và trần tình: “nhà ở đây họ xây mỏng, mái lại lợp tôn, kể cả những căn mái đổ bê tông nhưng vào đợt nắng gay gắt này thì đều rất nóng. Công nhân thì có mấy ai đủ điều kiện mua điều hòa đâu, ở mãi rồi cũng thành quen”. Rời quê từ Quảng Yên xuống KCN Cái Lân làm việc được gần 20 năm, cũng là 20 năm gia đình của anh “đóng đô” trong những căn phòng trọ như này.
Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, khu công nghiệp Cái Lân, TP Hạ Long có trên 4.800 lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân khoảng 1.400 người, hiện chưa có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.
Không thể sắm điều hòa, trong căn phòng vợ chồng anh cũng chẳng có nổi một vật dụng giá trị ngoài chiếc tivi cũng đã cả chục năm rồi. Chiếc bếp gas cũ kĩ được chị vợ bật tanh tách vài tiếng mới lên lửa chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Tự dưng nó khiến tôi nghĩ về cái ký ức của thời sinh viên xóm trọ đơn giản và thiếu thốn của mình 20 năm về trước.
Không thể hình dung, 20 năm sau, giữa thành phố di sản đáng sống này lại hiện hữu những hình ảnh đầy thiếu thốn như vậy. Với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng sau khi chi trả mọi chi phí sinh hoạt từ tiền nhà, điện, nước, tiền ăn… vợ chồng anh luôn tiết kiệm tối đa, nhưng cũng chỉ gửi được chút tiền về quê cho ông bà chăm con.
Đó cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân KCN Cái Lân đang thuê trọ tại khu vực này. Chị vợ Hoàng Thị Quyền tiếp lời: “Hầu hết công nhân sống ở đây đều là người tỉnh ngoài, có hoàn cảnh khó khăn, ở quê không có việc nên ra đây lập nghiệp. Với đồng lương ít ỏi vào khoảng 5, 6 triệu/tháng, chi phí sinh hoạt cao nên chúng tôi chỉ có thể ở trong các phòng trọ nhỏ chứ không dám nghĩ tới việc thuê các phòng rộng hơn. Thuê riêng một căn nhà cấp 4 càng không dám mơ tới”.
Đừng để nhà ở chỉ là giấc mơ
Vật chất thiếu thốn là vậy, song sinh hoạt tinh thần cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Không có các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí. Việc có thời gian, sức lực để xem các trận đấu giải EURO 2020 với nhiều người cũng là điều xa xỉ khi phải tranh thủ ngủ bù để vào ca.
Tha hương đến xứ này kiếm sống, các công nhân KCN Cái lân nơi những xóm trọ này có biết bao câu chuyện, biết bao nỗi niềm mưu sinh. Họ ước thu nhập khá hơn cho cuộc sống đỡ tằn tiện, chắt bóp để trong những lúc nắng nóng hầm hập có chút hơi mát từ điều hòa, ước có ngôi nhà be bé của riêng để an cư. Nhưng nhìn thực tại, họ biết mình đã mơ hơi xa. Tôi nhớ vẻ mặt buồn buồn của chị Quyền lúc thốt ra câu: “Thu nhập như thế này, chuyện nhà cửa chỉ là giấc mơ thôi em ơi!” khi tôi hỏi chị về có kế hoạch mua nhà trong tương lai.
Câu chuyện dành dụm tiền đủ để mua nhà vẫn là câu chuyện “bao giờ cho đến tháng mười”. Vậy nên, nếu chính quyền địa phương nơi có KCN còn đông công nhân phải thuê trọ không quan tâm đến việc tạo nguồn quỹ đất và chủ doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng những khu nhà ở dành cho công nhân thì những công nhân ở đây còn mãi gắn với những căn phòng trọ chật chội, nóng bức và thiếu thốn.
Nó ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm tư và đến một lúc nào đó cái sự không có “cư” để “ an” khiến người ta dễ nản lòng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính lợi ích của doanh nghiệp. Những người giỏi nghề, quen việc có thể ra đi bất cứ lúc nào. Doanh nghiệp sẽ lại phải tuyển dụng và đào tạo, tạo nên sự luẩn quản, mệt mỏi. Kế hoạh sản xuất có thể bị đình trệ ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.
Thực trạng đã có nhiều KCN cứ sau mỗi dịp lễ tết lại thiếu hụt quân số lao động do công nhân bỏ về quê khiến doanh nghiệp phải ngược xuôi tìm nguồn thay thế vô cùng vất vả, tốn kém cùng với nỗi lo nơm nớp những công nhân rồi sẽ ra đi.
Có thể bạn quan tâm