Hải Phòng: Tìm và giải quyết vì sao người dân không chọn đi xe buýt?
Phát triển từ những năm 2000 với gần 200 xe buýt, khai thác gần 20 tuyến, thế nhưng đến nay, buýt Hải Phòng chỉ còn khoảng 6 tuyến với hơn 70 xe.
Tại nhiều tỉnh, thành phố, xe buýt ngày càng được mở rộng, trở thành phương tiện giao thông công cộng quan trọng. Thế nhưng ở Hải Phòng, xe buýt chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.
Chị Phạm Thu Ninh (Đồ Sơn, Hải Phòng) có công việc thường xuyên phải di chuyển từ Đồ Sơn đến trung tâm TP Hải Phòng, quãng đường di chuyển khoảng 20km, mặc dù trạm xe buýt ngay trước cửa nhà nhưng rất ít khi chị lựa chọn phương tiện này để đi lại. Chị Ninh cho biết, thông thường nếu sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại, chị chỉ mất khoảng 45 phút là có thể đến được địa điểm trong trung tâm thành phố. Nhưng nếu đi xe buýt, chị phải mất hơn tiếng đồng hồ mới có thể đến được nơi. Chưa kể, từ điểm dừng xe buýt đến nơi chị làm việc khá xa, chị lại mất thêm thời gian gọi xe ôm để di chuyển.
“Dù đi xe buýt tiết kiệm được chi phí, lại giúp che mưa che nắng nhưng khá mất thời gian. Bất khả kháng lắm tôi mới lựa chọn xe buýt để đi lại. Đặc biệt, trong mùa dịch này, số tuyến giảm nên nếu cứ chờ đi xe buýt thì công việc của tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, chị Ninh tâm sự.
Không chỉ có chị Ninh mà nhiều người dân khác cũng khá e ngại khi lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển. Nguyên nhân được xác định là do sự kết nối giữa các tuyến xe dường như không có khiến người dân không thể tìm được những tuyến xe buýt ưng ý.
Xe buýt Hải Phòng phát triển từ những năm 2000, với sự tham gia của hơn 10 doanh nghiệp. Thời điểm đó, toàn thành phố có gần 200 xe buýt của buýt Quảng Đông, buýt Tân Việt, buýt Thịnh Hưng, xe buýt thuộc Công ty CP đường bộ Hải Phòng), buýt BIC… chạy gần 20 tuyến, đưa khách đi Đình Vũ, An Lão, Vĩnh Bảo, Dụ Nghĩa… Nhưng rồi, do hoạt động không hiệu quả, một số doanh nghiệp xe buýt dần mất tên trong danh sách các đơn vị kinh doanh loại hình vận tải hành khách công cộng. Đến nay, Hải Phòng chỉ còn 2 doanh nghiệp hoạt động xe buýt là Công ty CP Đường bộ Hải Phòng và Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng với hơn 70 xe buýt.
Buýt Thịnh Hưng hiện chỉ còn 3 tuyến gồm: Thượng Lý- Bến Gót, Sân bay Cát Bi- Cầu Hóa, khách sạn Dầu khí- khu 3 Đồ Sơn. Còn tuyến xe buýt do Công ty CP Đường bộ Hải Phòng quản lý hiện có 2 tuyến từ nội thành đi các huyện: An Lão, Vĩnh Bảo và tuyến từ bến xe Vĩnh Niệm đi Dụ Nghĩa.
Sự sụt giảm số lượng xe, tuyến buýt đã cho thấy một thực trạng đáng buồn của loại hình vận tải công cộng này. Thực tế, nhu cầu sử tham gia giao thông bằng xe buýt ở một thành phố trực thuộc trung ương là rất lớn. Tuy nhiên, xe buýt Hải Phòng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Để phát triển được mạng lưới xe buýt thì cần sự thống nhất giữa nhà nước - nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, dù nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng việc quy hoạch thiếu đồng bộ sẽ khiến cho người dân không mặn mà với xe buýt. Như vậy, doanh nghiệp dù có cố gắng đến mấy thì hoạt động vẫn sẽ không hiệu quả.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Đường bộ Hải Phòng cho biết, cơ chế chính sách chung của thành phố và mạng lưới xe buýt phải phát triển đồng bộ và có sự kết nối thì lượng khách đi mới hoà vào nhau được. Nhiều trường hợp, khách hàng di chuyển bằng xe buýt nhưng khi muốn chuyển tuyến thì họ phải đi bộ hoặc nhờ trợ giúp của các phương tiện khác. Điều này khiến họ cảm thấy e ngại khi lựa chọn xe buýt để đi lại.
Ngoài ra, một lợi thế của xe buýt là đến các điểm dừng quan trọng như điểm dừng tại các KCN, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, ở Hải Phòng, do quy hoạch tuyến đã bó buộc các doanh nghiệp nên việc mở các tuyến buýt tại đây là điều khá “xa xỉ”.
Theo đại diện Công ty CP Đường bộ Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng hiện đang rất phát triển, các KCN được mở rộng, lượng công nhân làm việc tại các KCN cũng tăng. Nhận thấy nhu cầu của người dân đi về các KCN rất cao, phía doanh nghiệp rất muốn mở tuyến đi về phía KCN Tràng Duệ, hay tuyến đi sang cầu Quang Thanh và Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) để đón công nhân từ Hải Dương sang Hải Phòng làm việc, nhưng các tuyến này lại không nằm trong quy hoạch của thành phố.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ đề nghị với TP Hải Phòng và Sở GTVT TP cho điều chỉnh lại quy hoạch lại mạng lưới giao thông xe buýt để được bổ sung các tuyến mới. Việc thay đổi lại quy hoạch sẽ mất rất thời gian nhưng doanh nghiệp vẫn rất quyết tâm được làm”, đại diện Công ty CP Đường bộ Hải Phòng cho biết.
Hiện các tuyến buýt nằm trong quy hoạch của TP Hải Phòng có nhu cầu đi lại rất ít. Phần vì quy hoạch không còn phù hợp. Phần nữa là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tuyến xe phải tạm dừng hoạt động một thời gian. Người dân khi đó hình thành thói quen đi xe máy hoặc sử dụng hình thức di chuyển khác. Vì vậy, khi xe buýt được phép chạy trở lại thì lượng khách giảm đi rất nhiều. Các khách hàng thường xuyên mua vé tháng như học sinh, sinh viên lại được nghỉ học để học trực tuyến nên cũng ảnh hưởng nhiều. Nhiều khi, xe buýt chạy các tuyến chỉ “chở gió” nhưng vẫn phải hoạt động.
Thực tế trên cho thấy, xe buýt Hải Phòng đóng góp trong lưu thông, vận chuyển hành khách trên đường bộ nhưng nhiều người chưa quan tâm đến xe buýt do quy hoạch tuyến còn cũ và việc nối tuyến chưa hợp lý. Trong khi đó, Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ, nhiều KCN, trung tâm thương mại đã và đang hình thành, nhiều tuyến đường rất cần xe buýt đi qua.
Hy vọng, TP Hải Phòng và các cơ quan quản lý nhà nước sớm nghiên cứu, điều chỉnh lại quy hoạch, tính toán kết nối các tuyến xe buýt sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay, để xe buýt thực sự trở thành phương tiện giao thông công cộng phổ biến, giúp giảm tải ùn tắc giao thông.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Gấp rút xét nghiệm SARS- Cov-2 đối với toàn bộ lái xe, phụ xe
19:23, 17/07/2021
Hải Phòng: “Giải tán” lồng bè để cứu vịnh Cát Bà
09:33, 17/07/2021
BHXH TP. Hải Phòng: Từng bước cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh
21:44, 16/07/2021
Hải Phòng: Thu phí hạ tầng cảng biển bằng cổng thanh toán điện tử hải quan
08:18, 14/07/2021
Hải Phòng "cứu" ngành Du lịch cách nào?
08:00, 14/07/2021