Hải Phòng: Quy hoạch điểm nuôi trồng thuỷ sản mới tại Cát Bà
Người dân có thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản tại điểm đã được TP Hải Phòng quy hoạch sau khi di dời cơ sở nuôi cá lồng bè ra khỏi vịnh Cát Bà.
TP Hải Phòng đã có phương án di dời hàng trăm cơ sở nuôi cá lồng bè ra khỏi vịnh Cát Bà để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu vực này. Đây là hoạt động để tiến tới đưa vịnh Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Theo đó, TP Hải Phòng sẽ dành hơn 68 tỷ đồng hỗ trợ việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc vùng biển quần đảo Cát Bà.
Cụ thể, hỗ trợ vật kiến trúc: mức hỗ trợ đối với nhà chòi là 19.857.983 đồng/nhà chòi; mức hỗ trợ đối với ô lồng nuôi cá là 4.836.000 đồng/ô lồng; mức hỗ trợ đối với giàn nuôi nhuyễn thể là 89.008 đồng/m2.
Đối với các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 sẽ hỗ trợ là 25.000 đồng/m3; các ô lồng tháo dỡ từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 sẽ hỗ trợ 12.500 đồng/m3.
Hỗ trợ đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 với mức 12.500 đồng/m2.
Hỗ trợ ổn định đời sống đối với thành viên hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021, mức hỗ trợ là 6.480.000 đồng/nhân khẩu.
Nghề nuôi cá lồng bè trên vịnh Cát Bà đã có từ những năm 2000 – 2002 và đã có những giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tạo thu nhập ổn định cho trung bình 3 lao động/cơ sở nuôi trồng.
Theo khảo sát của UBND huyện Cát Hải, có 1.298 nhân khẩu có tên trong sổ hộ khẩu và thực tế ăn ở trên những cơ sở nuôi trồng thủy sản buộc phải ngừng sản xuất, tháo dỡ. Trong đó, có 1.094 nhân khẩu có hộ khẩu tại Hải Phòng và 204 nhân khẩu có hộ khẩu ngoại tỉnh.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, khi các cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ hoàn toàn thì những lao động chính trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản này bị mất việc làm, đời sống sinh hoạt của họ sẽ gặp nhiều khó khăn do bị mất việc làm. Vì vậy cần hỗ trợ ổn định đời sống cho những đối tượng này trong thời gian họ tìm kiếm việc làm mới.
Vận dụng Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đề xuất hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất cho các đối tượng có hộ khẩu tại Hải Phòng, như sau: Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu thực tế ăn ở trên những cơ sở nuôi trồng thủy sản buộc phải ngừng sản xuất, tháo dỡ (tại thời điểm thông báo tháo dỡ) được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo/tháng, thực hiện hỗ trợ trong 12 tháng.
Với những người dân muốn tiếp tục gắn bó sống với nghề nuôi trồng thủy sản, có thể nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1582/QĐ-UBND ngày 8/7/2018, Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 12/7/2018 của UBND TP Hải Phòng).
Đó là khu vực từ cửa Hang Vẹm đến vụng O Vịnh bến Bèo thuộc thị trấn Cát Bà, diện tích quy hoạch nuôi là 41 ha, bố trí khoảng 118 cơ sở nuôi với 1.888 ô lồng và khu vực bến Gia Luận, diện tích quy hoạch nuôi là 15 ha, bố trí khoảng 12 cơ sở nuôi với 192 ô lồng. Những người tham gia nuôi trồng thủy sản ở những vị trí mới này cần phải tuân thủ yêu cầu về công nghệ nuôi và bảo vệ môi trường phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên công nghệ mới, bảo vệ môi trường bền vững, kiểu dáng, kích thước, vật liệu kiến trúc ô lồng, nhà bè, công nghệ nuôi trồng và thiết bị thu gom nước thải, rác thải... tại vị trí neo đậu được UBND TP Hải Phòng phê duyệt đảm bảo môi trường phục vụ tham quan, du lịch.
Để có thể nuôi trồng thủy sản ở các khu vực nói trên, người dân phải tham gia đấu giá theo khung giá tiền sử dụng khu vực biển đối với mục đích nuôi trồng thủy sản quy định tại Nghị định số 11, ngày 10/02/2021 của Chính phủ với mức giá khởi điểm khoảng từ 4.000.000 - 7.500.000 đ/ha/năm.
UBND huyện Cát Hải sẽ là đơn vị đứng ra tổ chức thực hiện việc giao, cho thuê mặt nước biển, khu vực biển nuôi trồng thủy sản thông qua hình thức đấu giá, thời gian triển khai thực hiện, dự kiến trong năm 2021.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, thống kê sơ bộ thời điểm hiện tại, vùng biển huyện đảo Cát Hải nói chung, vịnh Cát Bà nói riêng hiện có 429 hộ nuôi cá lồng bè. Các hộ này có hơn 8.000 ô lồng, mảng nuôi trồng thủy sản trên diện tích khoảng 100 ha mặt nước tại các vịnh Bến Bèo, Lan Hạ, chủ yếu nuôi cá, tu hài và các loài nhuyễn thể. Số lượng lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà đã vượt quá số lượng quy hoạch, vị trí được neo đậu. Phần lớn cơ sở nuôi cá lồng bè tự phát, chưa tuân thủ quy định kỹ thuật, bảo vệ môi trường biển làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản do lượng thức ăn chủ yếu là cá tạp, chế biến thủ công hay một phần cá ăn không hết rơi xuống đáy biển tích tụ lại, kết hợp với số lao động trên các lồng bè tăng nhanh và nhiều vật nuôi sinh sống trên lồng bè tạo ra lượng chất thải rất lớn đổ trực tiếp xuống biển. Trung bình lượng rác thu gom trên vịnh Bến Bèo và vịnh Lan Hạ từ 7-8 m3/ngày, có đợt cao điểm lượng giác thu 10m3/ngày (chưa kể đến lượng rác thải trôi dạt trên vịnh) đang là hiểm họa gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, việc sử dụng cát để nuôi tu hài và nuôi ngao hoa… đang ảnh hưởng đến cảnh quan, làm thay đổi môi trường tự nhiên đáy vịnh, xuất hiện nhiều loài vi tảo gây bệnh, ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Các loài vi tảo này ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển và có nguy cơ huỷ diệt các loài vi sinh vật biển là thức ăn của các loài thủy sản khác như: Tu hài, hàu,... Điển hình một khu vực: Hang Vẹm, Vụng O… xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ và dịch bệnh hải sản gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ nuôi.
Từ năm 2019, UBND TP Hải Phòng đã có báo cáo, đề xuất HĐND TP Hải Phòng ra Nghị quyết về việc hỗ trợ người dân để cắt giảm 288 bè nuôi trồng thủy sản với tổng cộng 5.435 ô lồng nuôi cá và gần 60 ha giàn nuôi nhuyễn thể (nuôi tu hài) trên khu vực vịnh Cát Bà ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, đến nay việc cắt giảm số lượng các ô lồng nuôi cá lồng bè, giàn nuôi nhuyễn thể trên vịnh Cát Bà mới được thực hiện quyết liệt.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản để bảo vệ môi trường cho Cát Bà
14:22, 06/08/2021
Hải Phòng: “Giải tán” lồng bè để cứu vịnh Cát Bà
09:33, 17/07/2021
Vinaconex huy động hàng nghìn tỷ đồng "hồi sinh" siêu dự án Cát Bà Amatina
05:30, 14/06/2021
Du lịch Cát Bà: Làm gì để tiếp tục hành trình vươn tầm thế giới?
18:37, 13/04/2021