TP Hải Phòng dự kiến chi 68 tỷ đồng đồng để hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà khi thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết: “Hải Phòng: “Giải tán” lồng bè để cứu vịnh Cát Bà”. Theo đó, TP Hải Phòng đã yêu cầu UBND huyện Cát Hải, các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất phương án di dời hàng trăm cơ sở nuôi cá lồng bè ra khỏi vịnh Cát Bà để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu vực này.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, phần lớn các cơ sở nuôi cá lồng bè tự phát, chưa tuân thủ quy định kỹ thuật, bảo vệ môi trường biển làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Hiện số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh đã vượt quá số lượng quy hoạch.
Cũng theo đại diện UBND huyện Cát Hải, chất thải trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản tại các lồng bè ở quần đảo Cát Bà rơi xuống đáy biển đã gây lắng động làm thay đổi tính chất và hệ sinh vật đáy biển. Đơn cử như tại khu vực vịnh Lan Hạ, trung bình mỗi ngày tại khu vực này thu gom được 7-8 m3 rác/ngày. Ngoài ra, số lượng lao động và các vật nuôi sinh sống trên lồng bè cũng tạo ra lượng chất thải lớn, không được xử lý mà thải trực tiếp xuống biển. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2019, TP Hải Phòng đã đề xuất HĐND TP Hải Phòng ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ người dân để cắt giảm số lượng các ô lồng nuôi cá lồng bè, giàn nuôi nhuyễn thể trên vịnh Cát Bà. Tuy nhiên, việc cắt giảm đó gặp nhiều khó khăn do địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh.
Mới đây, TP Hải Phòng đã chỉ đạo UBND huyện Cát Hải xây dựng nội dung hỗ trợ cho các cơ sở nuôi. Đây được cho là một trong những phương án để giải bài toán về vướng mắc trong việc di chuyển các lồng bè không phù hợp quy hoạch ra khỏi vịnh Cát Bà. Từ đó, góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế du lịch với thương hiệu “Cát Bà xanh”; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022. Bởi việc cắt giảm các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là một trong những nội dung cơ bản trong hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, tháng 3/2021, TP Hải Phòng đã hoàn thiện việc gửi hồ sơ UNESCO đề nghị công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Việc này được TP Hải Phòng làm rất quyết liệt và cũng gặp không ít khó khăn. Khi Cát Bà được công nhân là di sản thiên nhiên thế giới thì thời gian tới du lịch Hải Phòng chắc chắn sẽ có khởi sắc.
Theo đại diện UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện nay, trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở nuôi trồng. Trong đó, các cơ sở nuôi có chủ cơ sở là người có hộ khẩu Hải Phòng là 371 cơ sở. Các cơ sở có chủ cơ sở là người không có hộ khẩu Hải Phòng là 69 cơ sở. Hiện các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, xung đột với định hướng phát triển du lịch của địa phương.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hưng Hùng – Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng cho biết, để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà khi thực hiện tháo dỡ lồng bè, TP Hải Phòng dự kiến hỗ trợ hơn 68 tỷ đồng cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản này. Cụ thể, đối với vật kiến trúc, Hải Phòng sẽ hỗ trợ 19,8 triệu đồng/nhà chòi, 4,8 triệu đồng/ô lồng nuôi cá, 89.008 đồng/m2 đối với giàn nuôi nhuyễn thể. Đối với hỗ trợ sản phẩm nuôi là cá, TP Hải Phòng đưa ra mức hỗ trợ 25.000 đồng/m3 cho các cơ sở nuôi trồng tháo dỡ trước ngày 1/1/2022; 12.500 đồng/m3 cho các cơ sở nuôi trồng tháo dỡ từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Đối với sản phẩm nuôi là nhuyễn thể, thành phố hỗ trợ 12.500 đồng/m2 đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022. Đồng thời, TP Hải Phòng dự kiến hỗ trợ 6.480.000 đồng/1 nhân khẩu đối với các thành viên hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trước này 1/7/2021.
Theo tìm hiểu của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, từ những năm 2000, quần đảo Cát Bà đã hình thành hoạt động nuôi cá lồng bè. Thời điểm đó, toàn huyện Cát Hải mới có 70 bè với 560 ô lồng. Tuy nhiên, đến nay, tại khu vực này có đến 516 nhà chòi nuôi trồng thuỷ sản, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể. Các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tập trung chủ yếu tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận. Nguyên nhân dẫn đến số lượng lồng bè tăng chóng mặt như vậy được xác định là do nhu cầu phát triển kinh tế và địa phương buông lỏng về mặt quản lý.
Hy vọng, với việc Hải Phòng hỗ trợ kinh phí để các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà sớm được tháo dỡ sẽ tạo điều kiện cho việc quy hoạch và phát triển không gian du lịch; đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm thủy sản đặc thù có chất lượng cao tại Cát Bà. Đồng thời, từng bước đầu tư áp dụng công nghệ, nâng cao sản lượng mà không xung đột với cảnh quan, môi trường du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Công ty CP Cảng Hải Phòng: Chung tay hỗ trợ tuyến đầu chống dịch
20:35, 05/08/2021
Ô nhiễm rác xã Đoàn Xá (Kiến Thụy): Người Kiến Thụy có phải công dân Hải Phòng?
12:19, 06/08/2021
Hải Phòng: Doanh nghiệp khai thác đá, người dân “khổ trăm bề”
13:00, 05/08/2021
TP.HCM sẽ cho Hải Phòng “mượn” 500.000 liều vắc xin Sinopharm?
17:40, 05/08/2021