Tiền Giang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp kịp thời nhằm phát triển kinh tế, ổn định xã hội, cố gắng thực hiện được mục tiêu kép, không để đứt gãy sản xuất.
Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế với trọng tâm ưu tiên tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2021, nhất là 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2020. GRDP 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 28.956 tỷ đồng, tăng 3,31% so với cùng kỳ, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,22% và khu vực dịch vụ tăng 4,56%...
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và hồi phục kinh tế từ nay đến cuối năm; đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo kịch bản 3 cấp độ điều hành kinh tế - xã hội theo 2 cột mốc.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, giai đoạn từ nay đến ngày 30/8, tỉnh tiếp tục tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện quy định hạn chế người ra đường sau 18 giờ, nhằm giảm nhanh số ca mắc, giảm thấp nhất ca tử vong và thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định xã hội để dần phát triển kinh tế.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới là nghiên cứu giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Tiếp tục xem xét, thẩm định phương án sản xuất "3 tại chỗ" cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động an toàn gắn với phòng, chống dịch, nhất là những ngành chủ lực của tỉnh.
Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, tùy tình hình ở mỗi địa phương, nhất là vùng bình thường mới, vùng nguy cơ, Tiền Giang sẽ xem xét cho các doanh nghiệp hoạt động gắn với 5K và ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho khoảng 109.000 công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp để sớm ổn định sản xuất, vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.
Ngoài ra, Tiền Giang ưu tiên sản xuất nông, ngư nghiệp, đảm bảo canh tác, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong nhân dân gắn với phòng, chống dịch, nhất là các nông sản đang vào vụ thu hoạch (mít, sầu riêng, thanh long, thủy sản, khóm...).Bên cạnh đó, tỉnh sẽ từng bước mở cửa lại các chợ truyền thống, chợ đầu mối gắn với phòng, chống dịch; Ưu tiên tiêm vaccine cho các tiểu thương, người buôn bán.
Phục hồi sản xuất
Theo kế hoạch, giai đoạn sau ngày 30/8, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp, nhất là bình ổn giá vật tư đầu vào sản xuất để hỗ trợ người dân tái đầu tư sản xuất.
Đối với sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định; tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân; đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để doanh nghiệp sớm tổ chức hoạt động trở lại và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trong xây dựng, đầu tư công, thu hút đầu tư, Tiền Giang tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và các nhà thầu triển khai thi công xây dựng công trình trở lại khi đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong tháng 9 và quý IV/2021, bên cạnh tiếp tục triển khai các công trình trong kế hoạch đầu tư công năm 2021, tỉnh sẽ tăng cường công tác giải ngân, phấn đấu đến ngày 30/9 giải ngân trên 60% kế hoạch đầu tư công năm 2021.
“UBND tỉnh Tiền Giang sẽ chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là doanh nghiệp lớn, đóng góp quan trọng cho tỉnh để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét cho các chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hoạt động trở lại nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, tỉnh thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đối với các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng, khó khăn do đại dịch COVID- 19 theo quy định; Không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ, không để ai bị thiếu đói, nhất là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương... Đặc biệt, tỉnh sẽ iải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm.”- ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm