Hà Tĩnh: Gỡ vướng để đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản
Theo quy định sau khi dừng khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng, trồng cây xanh…
Tuy nhiên tại Hà Tĩnh việc hoàn thổ này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Luật khoáng sản quy định, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hết hạn khai thác thì các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc đóng cửa mỏ, tái tạo phục hồi môi trường, đất đai. Theo đó, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác kiểm tra, nghiệm thu làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ.
Vi phạm tràn lan
Thế nhưng, tại Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp sau khi khai thác xong không thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn trả môi trường theo quy định, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của các địa phương.
Tháng 6/2020, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Thương mại và Khai thác khoáng sản Phú Lộc An tại khu vực Khe Su, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này dính nhiều sai phạm trong quá trình khai thác, vi phạm các nghĩa vụ theo quy định như không ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; khai thác vượt trữ lượng được phép, khai thác sai thiết kế mỏ…
Sau hơn 1 năm bị “tước” giấy phép, công ty này vẫn chưa làm các thủ tục đóng cửa mỏ, trả lại mặt bằng, môi trường và đất đai theo quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Tại khu vực mỏ khai thác, những quả đồi bị ngoạm sâu nham nhở, ngổn ngang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, nhất là vào mùa mưa bão.
Đây chỉ là một trong 50 dự án khai thác khoáng sản đã hết thời hạn khai thác nhưng chưa thực hiện hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ trên địa bàn Hà Tĩnh. Các mỏ này chủ yếu là dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: đất san lấp, cát, đá... Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần phát văn bản đôn đốc, yêu cầu, tổ chức kiểm tra nhưng các doanh nghiệp vẫn không triển khai thực hiện.
Chờ tham mưu
Địa phương có số lượng mỏ hết hạn khai thác nhưng chưa thực hiện đóng cửa mỏ nhiều nhất tại Hà Tĩnh là thị xã Hồng Lĩnh với 7/19 mỏ. Đáng chú ý là có những mỏ đã hết hạn khai thác từ 4 – 5 năm nhưng doanh nghiệp gần như “một đi không trở lại”. Tại khu vực khai thác, nhà làm việc, máy móc, các thiết bị nằm ngổn ngang, hoen gỉ, các moong mỏ không được san lấp, mặt bằng chưa được hoàn trả, cây xanh cũng chưa được trồng theo quy định.
Ông Tôn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Trên địa bàn hiện có 19 mỏ đá dừng hoạt động, tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 12/19 mỏ đá thực hiện đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường theo đúng quy định”.
Trong khi, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, Sở cũng đã đôn đốc nhưng các doanh nghiệp cố tình chây ì, không thực hiện đúng quy định của luật khoáng sản. Hiện chúng tôi đang rà soát, phân loại để tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.
Có thể bạn quan tâm