“Chìa khoá” tái cơ cấu ngành nông nghiệp Điện Biên
Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên tập trung phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, an toàn cánh đồng lớn; chú trọng phát triển sản phẩm cà phê, chè theo hướng mở rộng vùng...
Trao đổi với DĐDN về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên khẳng định: Sở đang tập trung đẩy nhanh phát triển những lĩnh vực, sản phẩm trụ cột…
Theo ông Hải, hiện Ngành đang xây dựng 4 Đề án gồm: Đề án phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê); Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản; Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp; Đề án OCOP Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
- Ông có thể nói rõ hơn những lĩnh vực, sản phẩm trụ cột ưu tiên phát triển trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025?
Đối với lĩnh vực trồng trọt, Sở tập trung phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, an toàn cánh đồng lớn; chú trọng phát triển sản phẩm cà phê, chè theo hướng mở rộng vùng sản xuất gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và thị trường... Đồng thời, phát triển một số cây ăn quả để tạo vùng nguyên liệu liên kết nhà máy chế biến ở Sơn La.
Còn lĩnh vực chăn nuôi, Sở phát triển gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) vùng, địa phương có lợi thế, gắn với trồng cỏ, ngô sinh khối tạo thức ăn và kiểm soát tốt dịch bệnh; ứng dụng KHCN nâng cao năng suất.
Với lĩnh vực lâm nghiệp, Sở khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gỗ; Mở rộng diện tích trồng cây dược liệu có giá trị như: Sa nhân, Thảo quả, Sơn tra, Trám…; Đầu tư trồng cây mắc ca, gắn với xây dựng nhà máy; Rà soát, phát triển mạnh HTX, Tổ hợp tác trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc ăn cỏ, cây mắc ca,…; Hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn (20 chuỗi), sản phẩm OCOP (35 sản phẩm),...
- Vậy đâu là những giải pháp được Sở tập trung thu hút đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp trụ cột, thưa ông?
Sở triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của TƯ và của tỉnh…Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, giới thiệu danh mục dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, chủ động mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thị trường đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư...
Song song với việc đẩy mạnh cải cách TTHC, trong đó, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục, hồ sơ, Sở phối hợp các cấp chính quyền tổ chức các hội thảo chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp…, gặp mặt các doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là các dự án mắc ca. Riêng các Hội nghị sơ kết, tổng kết ngành, hội nghị chuyên đề, Sở mời các doanh nghiệp tham dự để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, định hướng đầu tư..., từ đó tham mưu xử lý kịp thời “nút thắt”…
- Ông có thể cho biết rõ hơn những khó khăn, vướng mắc tỉnh đang tập trung tháo gỡ cho các dự án trồng mắc ca?
Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 06 dự án trồng cây mắc ca, với tổng mức đầu tư 6.043 tỷ đồng, quy mô 24.046 ha. Theo đó, các doanh nghiệp đã trồng 3.070 ha cây mắc ca và đầu tư một cơ sở sơ chế hạt mắc ca (từ năm 2019 – 2020 chế biến được 3.200 kg hạt mắc ca nứt vỏ ăn liền).
Tới đây, để đưa cây mắc ca phát triển thành cây trồng chủ lực, tỉnh cho phép một số doanh nghiệp khảo sát, lập dự án đầu tư trồng cây mắc ca theo chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thu sản phẩm với quy mô trồng khoảng 90.312 ha. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án, các doanh nghiệp gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể, diện tích đất trong vùng dự án (bao gồm cả đất quy hoạch lâm nghiệp) được người dân sử dụng, canh tác nương rẫy. Do đó, diện tích đất “sạch” để giao cho doanh nghiệp thuê hầu như không có. Cùng với đó, khi thực hiện các dự án, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục về đất đai còn chưa nắm rõ nên mất nhiều thời gian dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai thường xuyên gặp vướng mắc cần tháo gỡ (tranh chấp đất đai, Giấy chứng nhận cấp sai so với thực địa,...).
- Trước những khó khăn đó, chắc hẳn Sở đã có những giải pháp gì tham mưu cho tỉnh?
Đúng vậy, Sở phối hợp với các cấp, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách chung đối với các dự án đầu tư; Chỉ đạo Sở, UBND các huyện hỗ trợ doanh nghiệp đo đạc quy chủ, đền bù, GPMB, hoàn thiện thủ tục thuê đất. UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, làm cơ sở để người dân hợp tác với doanh nghiệp. Sở cũng trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển các HTX mắc ca để hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết trồng cây mắc ca; Xây dựng Đề cương tuyên truyền để các địa phương, doanh nghiệp có dự án tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về cơ chế, chính sách của tỉnh cũng như giá trị của cây mắc ca. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các địa phương có dự án mắc ca rà soát, xác định quỹ đất (diện tích, vị trí) đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng (rừng phòng hộ, sản xuất) trong quy hoạch 3 loại rừng nhưng không phải đất nương luân canh của người dân để làm cơ sở giao cho doanh nghiệp mắc ca thuê triển khai dự án…
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm