Hải Dương: Kỳ vọng là “điểm đến” du lịch hấp dẫn
Với kỳ vọng trở thành "điểm đến" du lịch hấp dẫn thay vì là "điểm trung chuyển", tỉnh Hải Dương phấn đấu sẽ đón 7 triệu lượt khách quốc tế và 10 triệu lượt khách nội địa vào năm 2050.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hải Dương mới được biết đến như một "điểm trung chuyển" của du khách trên tuyến du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Dương chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, dịch vụ còn đơn điệu, kém hấp dẫn khiến cho thời gian lưu trú của khách tại Hải Dương ngắn và chi tiêu không cao.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Hải Dương sụt giảm 62,7% về lượng khách và 63,6% về doanh thu du lịch so với năm 2019. Để tìm hướng đi mới hậu COVID-19, tỉnh Hải Dương vừa ban hành đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để phát triển du lịch, với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch, Hải Dương sẽ phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 3,7 triệu lượt khách nội địa; có từ 3-4 sản phẩm du lịch đặc thù được triển khai và hoàn thiện theo hạng mục. Đến năm 2030, Hải Dương đặt mục tiêu đón 3,4 triệu lượt khách quốc tế, 4,8 triệu lượt khách nội địa và chất lượng dịch vụ đạt các tiêu chuẩn quốc gia.
Đến năm 2050, tỉnh Hải Dương sẽ đón 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 10 triệu lượt khách nội địa; thu nhập từ du lịch đạt 102.500 tỉ đồng, có thêm 5-10 sản phẩm được đầu tư khai thác trong thực tiễn. Đồng thời, chất lượng dịch vụ du lịch Hải Dương đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch phân khúc cao cấp.
Để đạt được lượng khách như mục tiêu đã đề ra, Hải Dương sẽ phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những tài nguyên du lịch duy nhất hoặc nổi trội, đặc sắc như: Tour “Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng” (thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang); Khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng danh thắng Phượng Hoàng có đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ, chùa Thanh Mai, hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm, rừng phong lá đỏ, quần thể di tích đền Cao (An Lạc), chùa Ngũ Đài... đều nằm trọn vẹn trên địa bàn thành phố Chí Linh; tuyến du lịch “Văn hóa ẩm thực người Xứ Đông” (xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ)…
Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường quản lý dịch vụ du lịch gồm các đơn vị lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, điểm tham quan; quy hoạch, đầu tư; xúc tiến, quảng bá; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch...
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết, do chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, dịch vụ còn đơn điệu, kém hấp dẫn nên khách du lịch đặt tour chủ yếu ghé qua để tham quan chứ không phải chọn Hải Dương là điểm dừng chân cho chuyến du lịch dài ngày. Với việc tỉnh Hải Dương ban hành đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với các sản phẩm du lịch đặc thù có thể coi là hướng đi mới để Hải Dương bứt phá sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19.
Ngành du lịch Hải Dương trong 2 năm trở lại đây phải đối mặt với những khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Nhiều sự kiện, lễ hội phải huỷ bỏ; các khu, điểm tham quan du lịch phải tạm đóng cửa.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, năm 2019, địa phương đã đón gần 4,3 triệu lượt khách. Trong đó có gần 2 triệu lượt khách lưu trú và trên 300.000 lượt khách quốc tế. Thu nhập từ du lịch đạt trên 1.750 tỷ đồng. Đến năm 2020, Hải Dương chỉ đón được 1,6 triệu lượt khách; thu nhập từ du lịch chỉ đạt 720 tỷ đồng.
Để du lịch Hải Dương bứt phá trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cũng hướng đến việc việc thu hút đầu tư các dự án du lịch tầm cỡ như: Dự án khu đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thể thao, vui chơi giải trí hồ Bến Tắm của Tập đoàn FLC; dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, trung tâm bảo tồn di tích kết hợp du lịch văn hóa - tâm linh và dự án làm kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn TP Chí Linh của Công ty CP Tập đoàn TH hay dự án đầu tư khu du lịch Sông Quê của Công ty CP Du lịch và dịch vụ Sông Quê... Ngoài ra, Hải Dương cũng đang xem xét đề xuất ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, TP Chí Linh với tổng diện tích 2.000 ha.
Theo đại diện Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường – Chủ đầu tư khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, phía doanh nghiệp đề xuất xây dựng khu vực hồ Thanh Long trở thành khu du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, sinh thái tầm cỡ quốc gia, quốc tế; khu nghĩ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, văn hoá ẩm thực đặc sắc... Đồng thời, xây dựng một số tượng đài, tháp chuông... trên các đảo nổi trong lòng hồ; cải tạo chùa Thanh Long (chùa Gạo) thành ngôi chùa lớn…
Hải Dương là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng; trong đó phải kể đến tài nguyên du lịch văn hóa với trên 3.199 di tích. Tiềm năng lớn như vậy nhưng để du lịch phát triển tương xứng rất cần sự chung sức của các nhà quản lý, doanh nghiệp và những người làm du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Xe buýt Hải Dương lao đao
16:10, 01/10/2021
Hải Dương: Thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng KCN An Phát 1
13:18, 28/09/2021
Hải Dương: Phạt 480 triệu đồng doanh nghiệp san lấp trái phép đất nông nghiệp
04:00, 28/09/2021
Hải Dương: Bao giờ dự án cải tạo quốc lộ 37 mới về đích?
08:18, 23/09/2021
Bảo hiểm tỉnh Hải Dương triển khai nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp
18:23, 16/09/2021