Hầu hết các doanh nghiệp vận tải nội tỉnh Hải Dương thà để xe nằm bãi còn hơn để xe chạy, bởi càng chạy càng lỗ nặng.
Toàn tỉnh Hải Dương có 63 xe buýt chạy trên 6 tuyến nội tỉnh. Do không có khách nên đến ngày 21/9/2021 chỉ còn duy nhất 1 tuyến số 09 (bến xe phía tây TP Hải Dương - Ninh Giang) của Công ty TNHH Huy Hoàng hoạt động cầm chừng. Theo Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương, từ ngày 17/9 đến 20/9, có 129 chuyến xe buýt nội tỉnh hoạt động, giảm 86% so với tổng số chuyến đăng ký.
Theo ông Nguyễn Công Tới - GĐ Công ty TNHH Huy Hoàng, hiện đơn vị vẫn đang duy trì tuyến buýt 09 hàng ngày chủ yếu để giữ chân lái xe và khách hàng mua vé tháng. Mỗi ngày, tuyến chỉ khai thác được 7 chuyến và mỗi chuyến chỉ có 3 – 4 khách, thậm chí nhiều chuyến xe chạy không. “Mỗi ngày, trung bình công ty phải bù lỗ từ 3-5 triệu đồng. Nếu cứ tiếp tục kéo dài thế này, các doanh nghiệp vận tải hành khách dễ bị phá sản" - ông Tới chia sẻ.
Ngày 17/9, sau khi Hải Dương cho phép mở cửa hoạt động một số hoạt động thiết yếu, trong đó cho phép xe buýt nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đã chủ động sửa chữa, bảo dưỡng máy móc. Công tác vệ sinh, phun khử khuẩn xe nhanh chóng được tiến hành. Lái xe, phụ xe phấn khởi vì được quay trở lại làm việc sau gần 2 tháng nghỉ để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, sau vài ngày hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp có xe buýt chạy tuyến nội tỉnh lại tiếp tục cho xe về bến nằm chờ do không có khách. Nhiều doanh nghiệp cho biết, thà để cho xe nằm không, chứ càng chạy càng lỗ nặng.
Theo thống kê của Công ty CP quản lý các bến xe khách Hải Dương, từ ngày 17/9 đến hết ngày 20/9, có 129 chuyến xe buýt nội tỉnh hoạt động, giảm 86% so với tổng số chuyến đăng ký. Trong đó, tuyến buýt số 09 chạy đạt 55% số chuyến đăng ký; tuyến xe cố định Từ Ô - TP Hải Dương chạy đạt 50%; tuyến buýt số 07 chạy đạt 9%; tuyến buýt số 27 chạy đạt 4%.
Không có khách, các doanh nghiệp vận tải hành khách buộc phải cho xe dừng. Họ vẫn đang trông chờ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được hoạt động trở lại để có lượng khách ổn định hơn.
Điển hình như Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường có 9 xe chạy tuyến Thanh Hà (số 02) đều cho nằm bãi từ đầu tháng 7 (từ ngày bắt đầu giãn cách) đến nay, kể cả khi đã được phép hoạt động. Theo ông Nguyễn Quý Cường – GĐ Công ty, hầu như các doanh nghiệp vận tải nội tỉnh Hải Dương đều không cho xe chạy. Bản chất của xe buýt là chạy nối tuyến khi các tuyến liên tỉnh chưa được phép chạy, xe buýt có hoạt động thì cũng không có khách, độc đi xe không. “Hiện chúng tôi cũng chưa có ý định gì trong việc đưa xe vào hoạt động, khi nào tình hình dịch bệnh thật sự ổn, các tuyến vận tải liên tỉnh như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… được phép chạy thì chúng tôi mới cho chạy trở lại” – ông Cường chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Hưng – GĐ Công ty CP ô tô vận tải hành khách Hải Hưng cho biết, vận tải buýt nội tỉnh Hải Dương đều là tự hạch toán, không trợ giá. Để xe chạy, từ nhiên liệu, công nhân viên, lái xe, phụ xe, bến bãi… đều phải trả tiền. Nuôi một bộ máy cồng kềnh như thế, trong khi xe chạy đều không có khách, theo tôi trong giai đoạn này cứ dừng lại đừng di chuyển nữa còn hơn.
Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản có văn bản gửi Bộ Tài chính về phương án hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vận tải, mức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vận tải như vậy chẳng khác nào “muối bỏ bể”. Thậm chí việc giảm phí bảo trì đường bộ theo Thông tư 47/2021/TT-BTC trước đây cũng không “khỏa lấp” được bằng việc bất hợp lý khi xe “đắp chiếu” vẫn phải đóng phí bảo trì hiện nay.
“Các doanh nghiệp chúng tôi cần hỗ trợ những thứ thiết thực như: tiếp cận các gói vay ưu đãi, giảm lãi vay, giảm phí bảo trì, phí cầu đường... Tỉnh Hải Dương, mấy năm trước còn hô hào chúng tôi mua xe mới, các doanh nghiệp vay tứ lung tung cả nhưng không được hỗ trợ gì cả” – một doanh nghiệp cho biết.
Ông Vũ Đức Hạnh - PGĐ Sở Giao thông Vận tải Hải Dương cho biết, sở sẽ điều chỉnh tần suất các tuyến xe buýt phù hợp với lượng khách thực tế, đồng thời sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có phương án tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động vận tải hành khách.
Có thể bạn quan tâm