Đánh giá hồ sơ đề cử Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới
Đoàn công tác của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) sẽ khảo sát quần đảo Cát Bà để đánh giá hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long.
Từ ngày 19 - 25/10/2021, IUCN sẽ làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa. Đồng thời, sẽ làm việc với lãnh đạo 2 địa phương là Hải Phòng và Quảng Ninh, 2 tỉnh thành có quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trong diện đề cử.
Trong thời gian khảo sát, đoàn của IUCN sẽ làm việc với UBND huyện Cát Hải về thực trạng, điều kiện kinh tế, xã hội của huyện đảo, các nội dung liên quan đến hồ sơ đề cử. Tiếp đó, IUCN sẽ đi thực địa trên vịnh Cát Bà, vườn Quốc gia Cát Bà, các khu rừng ngập mặn để tiếp cận các khía cạnh của khu vực đề cử và tiêu chí về cảnh quan, địa mạo, địa chất và đa dạng sinh học.
Đồng thời, IUCN sẽ làm việc với cán bộ vườn Quốc gia Cát Bà, gặp chính quyền, nhân dân thuộc vùng lõi, vùng đệm của khu vực đề cử di sản để đánh giá hệ thống quản lý và hiệu quả quản lý, đánh giá các mối đe dọa thực tế và tiền tàng tác động tới di sản.
Song song với đó, IUCN cũng sẽ làm việc với tỉnh Quảng Ninh, BQL vịnh Hạ Long, đi thực địa trên vịnh Hạ Long để đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý vùng di sản.
Theo ông Phạm Trí Tuyến - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải, dựa trên các tiêu chí đánh giá, IUCN nhận thấy vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà có những nét tương đồng về vị trí địa lý, giá trị khảo sát về địa chất, đồng dạng về đa dạng sinh học nên xét chung là một quần thể không thể tách rời. Vì vậy, lần đánh giá đề cử di sản thiên nhiên thế giới lần này là đánh giá tổng thể cả 2 địa danh. Lần đánh giá đề cử này gần như là công đoạn cuối cùng trước khi quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới gắn liền với vịnh Hạ Long.
Được biết, Hải Phòng đã có 8 năm để chuẩn bị cho việc đề cử quần đảo Cát Bà, nơi có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, thành Di sản thiên nhiên thế giới. Tháng 9/2013, Hải Phòng từng xây dựng hồ sơ đề cử riêng quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học gửi Trung tâm Di sản thế giới UNESCO. Tuy nhiên, UNESCO lại khuyến nghị nối dài quần đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long thành một quần thể di sản.
Đến năm 2016, Văn phòng IUCN tại Việt Nam cũng đã có công văn khẳng định sự cần thiết của việc mở rộng vịnh Hạ Long với quần đảo Cát Bà để xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thế giới.
Tháng 6/2021, Uỷ ban quốc gia UNESCO đã có công văn gửi Hải Phòng về việc chuẩn bị đón đoàn đánh giá hồ sơ vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà để ghi danh vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL tiến hành các thủ tục cần thiết gửi hồ sơ đề cử di sản “vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO.
Nhằm đáp ứng điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”, UBND thành phố Hải Phòng đã triển khai thực hiện lộ trình giải tỏa lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Theo đó, Hải Phòng sẽ chi gần 70 tỷ đồng để di dời hàng trăm lồng bè tại đây.
Cát Bà là khu vực có đa dạng sinh học bậc nhất của các vùng biển Việt Nam, là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Bởi chỉ với diện tích tự nhiên khoảng 320 km2 nhưng có tới hơn 3.800 loài động thực vật, trong đó có nhiều loại động thực vật đặc biệt quý hiếm trong sách đỏ. Cát Bà nằm trong cùng tổng thể và có mối liên kết chặt chẽ về địa lý và hệ sinh thái với vịnh Hạ Long.
Có thể nói, cơ hội để Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới sánh vai cùng vịnh Hạ Long đang đầy hứa hẹn. Quần đảo Cát Bà nếu được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới sẽ góp phần làm nâng cao giá trị về thiên nhiên, địa chất vùng Cát Bà – vịnh Hạ Long, phát huy các giá trị hiện hữu cần được bảo tồn, thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm