Có 155/159 chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đồng ý cho thực hiện kiểm đếm, trong đó có 40 chủ hộ đã nhất trí, cam kết tháo dỡ sau khi nhận được hỗ trợ.
Trước xu thế liên kết vùng, hợp tác cùng phát triển, việc đệ trình UNESCO thành công hồ sơ đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một trong những dấu mốc quan trọng khẳng định sự phối hợp hiệu quả, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.
Do đó, để giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập, xung đột giữa phát triển nuôi trồng thuỷ sản với công tác bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiêu thế giới vào năm 2022, huyện Cát Hải đã xây dựng lộ trình tháo dỡ tất cả các lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên khu vực các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà từ nay đến hết năm 2022.
Theo báo cáo của UBND huyện Cát Hải, từ ngày 13/8/2021 đến nay có 155/159 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đồng ý cho thực hiện kiểm đếm; đã tiến hành kiểm đếm được 103 cơ sở, trong đó có 40 chủ hộ đã nhất trí, ký cam kết tháo dỡ sau khi nhận được hỗ trợ.
Hiện, UBND huyện Cát Hải đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất, an ninh, trật tự cho các hoạt động tuyên truyền, vận động, kiểm đếm, hỗ trợ và tổ chức tháo dỡ theo đúng quy định. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 gồm 34 thành viên, do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, các Phó Chủ tịch UBND huyện làm Phó trưởng ban, thành lập 4 tổ công tác với tổng số 251 thành viên.
Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ, một số ý kiến của ngư dân cho rằng mức hỗ trợ còn thấp so với sự đầu tư của bà con trong suốt những năm qua. Ông Nguyễn Đình Toàn (SN 1961) cho biết, để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản gia đình ông đã mua tới 7 vạn chiếc rổ. Với đơn giá chỉ 20.000 đồng/chiếc, số tiền mà ông bỏ ra lên tới trên 1 tỷ đồng, tuy nhiên mức hỗ trợ ước tính chỉ khoảng trên 50 triệu đồng.
“Theo quy định, mỗi nhà chòi được hỗ trợ khoảng 19,5 triệu đồng, mỗi ô lồng nuôi cá được hỗ trợ khoảng 4,8 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi cơ sở lựa chọn chất liệu nhà chòi và ô lồng khác nhau, có kích thước khác nhau. Do đó, chúng tôi mong muốn được xem xét lại mức hỗ trợ này” - ông Toàn chia sẻ.
Trước thực trạng lượng cá, nhuyễn thể còn tồn đọng khá nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngày 16/8, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải đã gửi Thư ngỏ kêu gọi các tầng lớp nhân dân và du khách, các tổ chức, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ thu mua, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Đến nay, Điện lực Hải Phòng hỗ trợ tiêu thụ cam kết tiêu thụ 5 tấn cá và các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng ký cam kết hỗ trợ tiêu thụ 650 tấn.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu sinh sống, làm việc trên các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh.
Có thể bạn quan tâm