Du lịch

Kết nối APEC bằng di sản

Lê Linh 18/07/2025 01:55

Nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện ABAC III 2025 tại Hải Phòng, các phu nhân, phu quân và khách mời đã tham quan Vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà.

34.jpg
Đoàn phu nhân, phu quân APEC chụp ảnh kỷ niệm trên du thuyền Panorama trong chuyến thăm vịnh Lan Hạ.

Đây không chỉ là hành trình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, mà còn là một cánh cửa mở ra đối thoại văn hóa, gắn kết con người, quảng bá Việt Nam như điểm đến của niềm tin, di sản và đối thoại.

Vẻ đẹp di sản

Đảo Cát Bà được mệnh danh là “viên ngọc xanh” của Vịnh Bắc Bộ với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng hòa quyện cùng biển cả. Dân số trên đảo vào khoảng 18.000 người, đang làm việc chủ yếu tại 2 lĩnh vực là cung cấp dịch vụ du lịch và nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản.

Được thiên nhiên ưu đãi, Đảo Cát Bà sở hữu Vịnh Lan Hạ - được công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới từ năm 2023. Với 366 đảo lớn nhỏ và 136 bãi tắm đẹp và hoang sơ. Đoàn đã đến thăm Vịnh Lan Hạ, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới để chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục và trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn như chèo kayak, tắm biển…

Bà Hiromi Sasaki, đoàn Nhật Bản chia sẻ xúc động: “Tôi thực sự bị thu hút bởi sự giao thoa kỳ diệu giữa thiên nhiên và văn hóa nơi đây. Một làng chài cổ với chiều dài hàng thiên niên kỷ, cùng những câu chuyện lịch sử sống động mà hướng dẫn viên Việt Nam đã truyền tải, khiến tôi cảm thấy như mình đang bước vào một bảo tàng mở”.

35.jpg
Các du khách vui vẻ thưởng thức cảnh quan thiên nhiên và vẻ đẹp của Lan Hạ

Sau khi tham quan các điểm như Hòn Con Rùa, Hòn Tay Kéo, Ba Trái Đào, đoàn tiếp tục hành trình khám phá vẻ đẹp ngoạn mục của Vịnh Lan Hạ, nơi hội tụ những bãi cát mịn màng, mặt biển xanh trong và các đảo đá vôi kỳ ảo. Không gian tầng thượng của du thuyền với tầm nhìn 360 độ bao trọn đại dương và núi đá đã mang đến cho các thành viên đoàn cảm giác thư thái, chiêm nghiệm và kết nối sâu sắc với thiên nhiên. Nhiều vị khách trong đoàn đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và xúc động trước món quà mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho vùng biển đảo Cát Bà.

“Việt Nam khiến tôi cảm thấy vừa bình yên, vừa được truyền cảm hứng. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội đưa gia đình quay trở lại đây để khám phá sâu hơn về con người và đời sống văn hóa” bà Maria Angelica, đoàn Chile chia sẻ.

Một số thành viên trong đoàn bày tỏ mong muốn được tham gia sâu hơn vào các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, khám phá ẩm thực bản địa và đặc biệt là tìm hiểu công tác bảo tồn các loài động vật quý hiếm như Voọc Cát Bà, biểu tượng sinh học độc nhất đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng với chưa đầy 100 cá thể còn tồn tại. Những chia sẻ chân thành ấy không chỉ thể hiện sự quan tâm đến đa dạng sinh học mà còn mở ra cơ hội hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực bảo tồn, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Cầu nối văn hóa

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng, bên cạnh Vịnh Lan Hạ, Cát Bà còn sở hữu rừng quốc gia Cát Bà, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới từ năm 2004. Là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt nhất phải kể tới “Vooc Cát Bà”, một trong những loại động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

36.jpg
Sự thân thiện của Panorama khi tiếp đón đoàn phu nhân, phu quân APEC đến thăm Lan Hạ

Điều đặc biệt, biểu tượng Voọc Cát Bà cũng chính là món quà mà ban tổ chức đã lựa chọn để trao tặng cho các đại biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư TP Hải Phòng, một trong những sự kiện bên lề kỳ họp ABAC III trước đó. Món quà không chỉ mang tính lưu niệm mà còn gửi gắm thông điệp sâu sắc về sự gắn kết giữa phát triển và gìn giữ. Mỗi món quà là một lời mời gọi đồng hành cùng Việt Nam bảo vệ những giá trị thiên nhiên đang bị đe dọa và cùng lan tỏa ý thức gìn giữ sinh thái như một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu.

Đoàn cũng đến Làng chài nổi Cái Bèo hay còn gọi là Làng Chài Vụng O, một trong những Ngôi làng chài nổi có lịch sử phát triển lâu đời, từng được mệnh danh là cái nôi văn hoá cổ Việt Nam. Khu vực này được khai quật và nghiên cứu lần đầu năm 1938 bởi nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani. Sau đó là các lần nghiên cứu vào năm 1981 - 1986, 2006 -2007, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều mảnh gốm, công cụ ghè đẽo, công cụ mài thô sơ làm bằng đá granit, có tuổi đời lên tới 5000 – 7000 năm. Năm 2009, Cái Bèo chính thức được công nhận là di tích cấp quốc gia.

37.jpg
Các du khách đều muốn lưu giữ lại khoảnh khắc của Lan Hạ

Ông Don Russell, đoàn Úc tại ABAC nhận định: “Tôi cảm thấy chuyến đi này mang một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam không chỉ là một đối tác thương mại, mà còn là một quốc gia có chiều sâu văn hóa, với con người thân thiện và tầm nhìn phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Hải Phòng thông qua các chuyến giao lưu tham quan cũng khẳng định hình ảnh thành phố cảng hiện đại và thân thiện”.

Việc đầu tư vào hạ tầng du lịch như hệ thống cáp treo Đồng Bài – Phù Long, du thuyền cao cấp, dịch vụ thân thiện đã giúp TP Hải Phòng ghi điểm mạnh mẽ trong mắt bạn bè quốc tế. Với sự kiện này, thành phố Cảng không chỉ là điểm trung chuyển logistics quốc tế, mà còn trở thành cửa ngõ của đối thoại văn hóa và kết nối con người.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng chia sẻ: “Thông qua chuỗi hoạt động phong phú, bài bản và đầy tính bản sắc, Hải Phòng không chỉ giới thiệu một thành phố năng động, giàu tiềm năng kinh tế mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa, tinh thần mến khách và sự chuẩn bị chu đáo trong hội nhập quốc tế. Đây là bước đi quan trọng để Hải Phòng tiếp tục hội tụ bản sắc, khẳng định vị thế, kiến tạo tương lai như thông điệp chủ đạo của Hội nghị ABAC III”.

ABAC III, một trong bốn kỳ họp chính thức hằng năm của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC là sự kiện có tính luân phiên giữa các thành phố lớn thuộc 21 nền kinh tế thành viên. Việc VCCI và TP Hải Phòng đồng hành tổ chức đăng cai kỳ họp lần này không chỉ là cơ hội giới thiệu tiềm năng đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách thu hút của thành phố tới cộng đồng APEC, mà còn là dịp quảng bá bản sắc văn hóa, thế mạnh du lịch tới các đối tác quốc tế.

Đây cũng là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam tại TP Hải Phòng tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư hàng đầu khu vực, mở rộng mạng lưới hợp tác và kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên. Các hoạt động bên lề như trưng bày sản phẩm, giới thiệu mô hình kinh tế đặc trưng, quảng bá danh lam thắng cảnh cũng góp phần nâng cao hình ảnh thành phố trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kết nối APEC bằng di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO