Trong khuôn khổ sự kiện ABAC III tại TP. Hải Phòng, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đã được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh một thành phố giàu tiềm năng, bản sắc, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.
Ấn tượng sẻ chia
Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III) đang diễn ra tại TP Hải Phòng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức, đoàn gồm 80 vị khách quốc tế là phu nhân, phu quân của các đại biểu tham dự kỳ họp. Đây là sự kiện ý nghĩa bên lề Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) diễn ra tại Hải Phòng nhằm giới thiệu một nghề truyền thống có lịch sử lâu đời, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chuyến thăm không chỉ là dịp để bạn bè quốc tế tìm hiểu về một làng nghề gốm truyền thống đã hơn 600 năm tuổi mà còn là một dấu ấn giàu cảm xúc của ngoại giao văn hóa, của sự kết nối giữa con người với con người, giữa quá khứ với hiện tại, giữa bản sắc địa phương với thương hiệu quốc gia.
Tại buổi tham quan, đoàn đại biểu đã được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành, quá trình phục dựng và phát triển dòng gốm quý này; trực tiếp tham quan xưởng sản xuất, tìm hiểu quy trình chế tác và trải nghiệm vẽ gốm.
Được biết, Gốm Chu Đậu từ lâu đã được biết đến là dòng gốm cổ cao cấp, từng được xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia, và là một biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật, thẩm mỹ và tâm linh của người Việt.
Một số đại biểu quốc tế bày tỏ mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Bà Amy Chien, đến từ Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ: “Trong tương lai, tôi có thể sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư hoặc đề xuất với Chính phủ những chính sách để gia tăng lượng sản phẩm gốm Việt Nam nói chung và gốm Chu Đậu nói riêng vào thị trường Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc)”.
Ông Don Russell, đến từ Australia cho biết: “Tôi không chỉ ấn tượng với việc Hải Phòng bảo tồn được nghề gốm truyền thống mà còn đánh giá cao nỗ lực khôi phục, phát triển nghề nhằm gia tăng thu nhập cho người dân địa phương. Chuyến đi đã giúp chúng tôi hiểu thêm về nét đặc sắc văn hóa Việt Nam và văn hóa Hải Phòng. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế”.
Ông Don Russell chia sẻ: "Chúng tôi được chứng kiến toàn bộ quy trình làm ra một sản phẩm gốm Chu Đậu, từ tạo hình trên bàn xoay, phơi sấy, vẽ tay họa tiết truyền thống cho đến nung ở nhiệt độ cao trong lò gas hiện đại. Tôi rất thích và hào hứng khi được tự vẽ họa tiết lên những sản phẩm thô. Những nét cọ đầu tiên trên nền gốm trắng tạo nên những khoảnh khắc đầy tiếng cười và sẻ chia".
"Tôi rất ấn tượng với sự tinh tế và công phu trong từng công đoạn làm ra sản phẩm gốm. Nhưng điều khiến tôi cảm động hơn cả là sự gắn bó của những nghệ nhân lâu năm, những người đã gắn trọn đời mình với nghề, gìn giữ và truyền lại những giá trị truyền thống quý báu. Đây thực sự là kho báu của các bạn” - ông Don Russell.
Trong khi đó, bà Hiromi Takahashi, đến từ Nhật Bản lại không giấu được sự thích thú trước sự thân thiện và hiếu khách của con người nơi đây. Bà Hiromi Takahashi chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm động trước tấm lòng chân thành và nụ cười thân thiện của các nghệ nhân. Những sản phẩm ở đây không chỉ đẹp mà còn mang linh hồn của người làm ra chúng. Tôi nghĩ đó là điều làm nên sự khác biệt".
ABAC là cầu nối
Kỳ họp III Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC 2025 (ABAC III) do VCCI phối hợp với UBND Hải Phòng, được tổ chức từ ngày 15-18/7 tại TP Hải Phòng. Đây là cơ hội nhằm quảng bá môi trường đầu tư, tiềm năng kinh tế và chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh tới các nền kinh tế APEC.
Ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu cho biết: “Đây là một vinh dự lớn lao với chúng tôi khi được đón tiếp các du khách quốc tế của những nền kinh tế hàng đầu APEC. Chuyến thăm hôm nay không chỉ là một cuộc gặp gỡ văn hóa mà còn mở ra những cơ hội hợp tác, lan tỏa thương hiệu gốm Việt ra thế giới".
Ông Thức cũng chia sẻ thêm, bên cạnh việc gìn giữ giá trị truyền thống, Gốm Chu Đậu hiện đang tích cực đổi mới công nghệ, mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế trong sản phẩm, xuất khẩu và phát triển bền vững. Sự kết nối từ những hoạt động ngoại giao như hôm nay sẽ là chất xúc tác để thương hiệu Việt đến gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu.
Chuyến thăm Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu là một trong chuỗi hoạt động nhằm tăng cường giao lưu, kết nối cộng đồng doanh nhân, gia đình lãnh đạo các nền kinh tế APEC với các địa phương, doanh nghiệp và văn hóa Việt Nam.
TP Hải Phòng, nơi đăng cai tổ chức Hội nghị ABAC III cũng coi đây là dịp để thể hiện tiềm năng, sự sẵn sàng hội nhập và vai trò ngày càng nổi bật trong bản đồ kinh tế, giao thương của khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
Chuyến thăm làng gốm cũng đã để lại nhiều cảm xúc cho đoàn khách quốc tế. Trong không khí ấm áp, thân tình, các thành viên trong đoàn đã chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân, mang về những món quà thủ công tinh xảo, những sản phẩm gốm mang dấu ấn cá nhân mà họ đã tự tay vẽ, như một cách lưu giữ trải nghiệm văn hóa chân thật và khó quên.
Hành trình đến với làng gốm không đơn thuần là chuyến tham quan. Đó là cuộc gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, giữa những nền văn hóa tưởng chừng xa lạ nhưng lại chung nhịp đập của sự trân quý cái đẹp, của lòng yêu mến thủ công và của khát vọng gìn giữ những giá trị vĩnh cửu.