Tín hiệu tích cực cho cảng biển Quảng Ninh
Sau hơn 1 năm “thê thảm” bởi gần như không đón được chuyến tàu biển container nào, những tháng cuối năm 2021 cảng Cái Lân Quảng Ninh bắt đầu đón những tín hiệu tích cực.
Những con số thua lỗ
Như DĐDN trước đó đã phản ánh, không phải đến bây giờ, trong mùa dịch, tình cảnh cảng Cái Lân mới bi đát như vậy, mà những con số thua lỗ là thực trạng hàng chục năm nay rồi.
Riêng năm 2019, năm gần nhất chưa xảy ra đại dịch, dù lợi nhuận quý 4/2019 công ty Cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân (CPI) đạt 393 triệu đồng nhưng tính chung cả năm, công ty vẫn thua lỗ 974 triệu đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên đến 409 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Khoản thua lỗ khổng lồ này khiến CPI âm vốn chủ sở hữu 29,5 tỷ đồng.
Sức cạnh tranh sụt giảm là một trong những lí do khiến cho doanh thu Cảng Cái Lân “chạm đáy”, dẫn đến thua lỗ. Còn một nguyên nhân khác mang tên Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân (CICT). Cụ thể, năm 2007, CPI chi 25,49 triệu USD thành lập CICT để nắm giữ 51% vốn CICT. Thế nhưng, những khoản thua lỗ đậm của CICT đã khiến CPI phải dành 473 tỷ đồng để trích lập dự phòng. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực cứu nguy, khu cảng hiện đại với năng lực xếp dỡ “khủng” vẫn trong cảnh vắng bóng tàu, hàng hóa qua cảng ít ỏi. Hồi năm 2014, CICT gây sốc khi lỗ mỗi tháng 1 triệu USD và kéo dài đén năm 2021, mà nhiều người ngán ngẩm gọi đây là cuộc hành trình “xuống đáy”.
Vì sao cảng Cái Lân được quan tâm đầu tư nhưng không phát triển như kỳ vọng? Đây là câu hỏi rất cần được phân tích, mổ xẻ, trả lời thấu đáo từ các cơ quan chức năng. Song đến nay, câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Về vấn đề này, theo một số người hiểu về cảng, nhất là những người đã từng sống và làm việc tại Cái Lân thì chủ yếu một phần do cơ chế, chính sách, phần nữa là do luồng hàng hải đang bị nông dần bởi sa bồi khiến việc tiếp cận cảng của các tàu lớn khó khăn, lại thêm tuyến đường sắt phục vụ việc chuyên chở hàng hóa từ cảng và tới cảng “tê liệt” do dự án dở dang. Hệ thống thu gom hàng sau cảng lại thiếu, hạ tầng giao thông yếu kém, “quan hệ” với hãng tàu và việc truyền thông thu hút sự chú ý của các đối tác tàu biển về khả năng đáp ứng của cảng chưa được quan tâm đúng mức…
Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở trong khu vực cảng đã xuống cấp, đường ra vào cảng chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc khi có từ 2 tàu hàng rời trở lên vào làm hàng. Tất cả những điều này đang làm cho cảng Cái Lân mất rất nhiều lợi thế so với cảng Hải Phòng.
Những chuyến hàng hy vọng
Không để tình cảnh cảng Cái Lân tiếp tục chìm trong sự thua lỗ. Tỉnh Quảng Ninh đã tìm giải pháp để cải thiện những yếu kém và thu hút các hàng tàu container đến cảng. Và những tín hiệu tích cực đã xuất hiện, theo đó tháng 9/2021, cảng Cái Lân đã đón 2 tàu quốc tế container cập cảng. Trong đó, tàu Synergy Busan, Quốc tịch Cộng hòa Marshall có trọng tải gần 51 nghìn tấn cập cảng trong ngày 14/9. Đây là chuyến tàu thử nghiệm thứ 2 của hãng tàu MAERSK LINE nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, hướng đến việc mở chuyến tàu container chuyên tuyến quốc tế qua cảng Cái Lân trong thời gian tới.
Trước đó, tàu Cape Moss (Quốc tịch Cộng hòa Marshall) có trọng tải trên 41 nghìn tấn cũng đã cập an toàn vào Cảng container quốc tế Cái Lân theo đúng kế hoạch, để dỡ xuống cảng 1.215 container và xếp lên tàu 288 container hàng hóa.
Nói về 2 sự kiện này, ông Frank Van Rompaey - Tổng giám đốc Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân - chia sẻ: “Trước đây, phía công ty đã từng khai thác tàu container của MAERSK cập cảng và họ cũng từng quay lại. Vì các tàu cỡ lớn không thể đi đến các cảng khác trong khu vực. Đây là lợi thế mà Quảng Ninh nên tận dụng để thu hút đầu tư và tạo sự cạnh tranh”.
“Việc các hãng tàu container lớn nhất thế giới cả về quy mô đội tàu lẫn năng lực vận chuyển hàng hoá đưa các chuyến tàu về cảng Cái Lân khai thác thử nghiệm, làm hàng là tín hiệu hết sức tích cực. Trong thời gian tới, nếu hình thành được các tuyến tàu container chuyên tuyến quốc tế qua cảng Cái Lân kết nối với các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN thì sẽ là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, tăng thu ngân sách và thu hút đầu tư…”, ông ông Frank Van Rompaey nói.
Được biết tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng đề án phát triển cảng biển, lấy cảng biển là một trong những mũi nhọn cho phát triển kinh tế. Tỉnh này cũng triển khai các chính sách hỗ trợ bền vững, lâu dài cho các chủ tàu, chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ khi lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh để làm hàng. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ cảng, bến trong việc tìm kiếm đối tác là các hãng tàu, chủ hàng thông qua việc quảng bá thương hiệu cảng biển Quảng Ninh đến với các hãng tàu, công ty kinh doanh logistics.
Những yếu kém, tồn tại đã và đang tiếp tục được khắc phục với quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm cảng biển lớn nhất bắc bộ.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Cải cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
12:00, 11/10/2021
Quảng Ninh “ươm mầm” cải cách: 10 năm đi tìm phương thức, triết lý phát triển
04:40, 11/10/2021
Quảng Ninh - địa phương “ươm mầm” cải cách
05:11, 10/10/2021
Quảng Ninh: Thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp
01:33, 09/10/2021
Quảng Ninh: Khơi thông cho các dự án đầu tư công
09:46, 07/10/2021
Quảng Ninh: Sắp khởi công 4 dự án khủng
01:21, 28/09/2021