Hà Tĩnh: Lấn chiếm hành lang đê để nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

TÂM ĐAN 01/11/2021 00:00

Tình trạng tự ý lấn chiếm hành lang đê để nuôi trồng thủy sản tại các tuyến đê chính trên địa bàn Hà Tĩnh đã tồn tại từ hàng chục năm qua.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu tháo dỡ, xử lý nhưng đến nay các vi phạm vẫn tái diễn.

Tại tuyến đê Hữu Phủ đi qua xã Thạch Khê, Thạch Lạc, Tượng Sơn (thuộc huyện Thạch Hà) có hàng chục héc ta diện tích nuôi trồng thủy hải sản nằm ngay sát chân đê. Những hồ tôm lớn được đắp bờ rộng, cao, vững chắc từ hành lang đê ra đến bờ sông Rào Cái, ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ của sông, gián tiếp ảnh hưởng đến an toàn đê.

Hồ tôm được đào sát mái thượng lưu đê, nằm sát bờ sông đã tạo ra nhiều hàm ếch ngay dưới chân đê, gây hư hỏng, sụt lún khi có mưa bão, triều cường.

Hồ tôm được đào sát mái thượng lưu đê, nằm sát bờ sông đã tạo ra nhiều hàm ếch ngay dưới chân đê, gây hư hỏng, sụt lún khi có mưa bão, triều cường.

Anh T. một người nuôi tôm lâu năm tại khu vực sông Rào Cái cho biết: "Tôi nuôi tôm ở đây từ hơn chục năm nay, trước có được xã làm hợp đồng cho thuê đất nhưng từ năm 2015 đến nay xã không có thẩm quyền cho thuê nữa nên hợp đồng cũng đã chấm dứt. Biết là vi phạm nhưng chi phí xây dựng ao nuôi khá lớn, trong khi tình hình dịch bệnh khiến đầu ra bấp bênh nên chúng tôi chưa có kinh phí để chuyển đi"

Thời gian qua, huyện Thạch Hà đã nhiều lần lập đoàn kiểm tra, tìm giải pháp tháo gỡ để đảm bảo an toàn đê Hữu Phủ. Tuy nhiên, hiện chỉ có thể xử lý đối với những diện tích ao hồ nuôi tôm tự phát, còn phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản vi phạm tại đây vẫn đang bế tắc.

Ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho hay, hiện đơn vị đã phân loại theo quy định của Luật Đê điều. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các địa phương, chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp thuê đất trái thẩm quyền. Đối với những trường hợp đã được thuê đất theo quy định sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường có phương án xử lý”, ông Thuận nói.

Không riêng Thạch Hà mà tại các địa phương khác như TP Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà, Can Lộc… tình trạng lấn chiếm hành lang đê để nuôi trồng thủy sản cũng diễn ra khá phổ biến. Nhiều hồ nuôi tôm được quy hoạch sát thân đê, tuy nhiên chính quyền sở tại vẫn khá lúng túng trong việc xử lý vi phạm.

Người dân cắm cọc, làm hàng rào, công trình nhà lán trại ngay sát chân đê

Người dân cắm cọc, làm hàng rào, công trình nhà lán trại ngay sát chân đê

Tuyến đê Đồng Môn có chiều dài gần 5km, đi qua xã Đồng Môn, Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh). Đây là tuyến đê có vị trí đặc biệt xung yếu bởi đê không chỉ bảo vệ cho hàng chục héc ta đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa mà còn đảm bảo tài sản, an toàn tính mạng cho người dân TP Hà Tĩnh. Trên tuyến đê còn được đặt nhiều cống tiêu thoát lũ cho khu vực thành phố.

Thế nhưng, nhiều năm qua, đê Đồng Môn đang chịu sự xâm hại của nhiều hộ nuôi trồng thủy sản. Hồ tôm được đào sát mái thượng lưu đê, nằm sát bờ sông Rào Cái đã tạo ra nhiều hàm ếch ngay dưới chân đê. Về mùa mưa bão triều cường dâng cao kèm theo sóng đánh gây hư hỏng, nhiều đoạn đê bị đứt gãy, sụt lún… Hiện người dân đã lấn chiếm hơn 3ha diện tích đất xung quanh chân đê để xây dựng ao hồ.

Nhiều hồ nuôi tôm được quy hoạch sát thân đê, tuy nhiên chính quyền sở tại vẫn khá lúng túng trong việc xử lý vi phạm.

Nhiều hồ nuôi tôm được quy hoạch sát thân đê, tuy nhiên chính quyền sở tại vẫn khá lúng túng trong việc xử lý vi phạm.

Để xử lý tình trạng này, UBND TP Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều đoàn về thanh kiểm tra, yêu cầu các hộ nuôi tôm tháo dỡ di dời, trả lại nguyên trạng cho đê, thế nhưng đến nay các hồ nuôi tôm này vẫn mặc nhiên tồn tại. Theo tìm hiểu, ngoài nguyên nhân khách quan do lịch sử để lại thì sự chồng chéo trong các văn bản giao quản lý, bảo vệ đê, hợp đồng cho thuê đất đối với từng hộ dân cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm kéo dài. Bên cạnh đó, kinh phí để di dời các hộ dân ra khỏi hành lang đê là khá lớn, và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Ông Phạm Hữu Tình, Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho rằng tình trạng nuôi tôm tự phát đã phá vỡ quy hoạch và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Phần lớn các đơn vị, hộ dân nuôi tôm tự phát thì các công tình xử lý và bảo vệ môi trường không đảm bảo. Nhiều hộ nuôi xả thẳng hoặc xử lý nước thải chưa đúng quy chuẩn gây ảnh hưởng môi trường và nguồn nước xung quanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi thông luồng lạch cảng cá ở Hà Tĩnh bằng cách nào?

    Khơi thông luồng lạch cảng cá ở Hà Tĩnh bằng cách nào?

    13:09, 27/10/2021

  • Hà Tĩnh: Bài toán nan giải trong quy hoạch nghĩa trang

    Hà Tĩnh: Bài toán nan giải trong quy hoạch nghĩa trang

    20:56, 28/10/2021

  • Hà Tĩnh: Hack tài khoản facebook chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

    Hà Tĩnh: Hack tài khoản facebook chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

    10:58, 23/10/2021

  • Ám ảnh đi qua tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh

    Ám ảnh đi qua tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh

    03:00, 19/10/2021

TÂM ĐAN