Khơi thông luồng lạch cảng cá ở Hà Tĩnh bằng cách nào?

TÂM ĐAN 27/10/2021 13:09

Dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khơi thông các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh, nhưng sau mỗi dự án, tình trạng bồi lắng lại tiếp tục diễn ra.

 Tình trạng bồi lắng tại cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) ngày càng nghiêm trọng, khiến ngư dân phải sang cảng Nghệ An tiêu thụ hải sản

Tình trạng bồi lắng tại cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) ngày càng nghiêm trọng, khiến ngư dân phải sang cảng Nghệ An tiêu thụ hải sản

Thực trạng trên đã kéo dài nhiều năm qua, nhưng chưa có phương án xử lý, khiến nhiều tàu thuyền bị “mắc cạn”.

Tàu thuyền “mắc cạn”

Tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), tình trạng bồi lắng diễn ra từ nhiều năm nay gây khó khăn cho hoạt động tiêu thụ hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu thuyền bị nghiêng, hư hỏng, đổ dầu… Việc ra, vào cảng chủ yếu phụ thuộc vào con nước lên xuống, nên nhiều ngư dân vào bờ phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới có thể cho thuyền cập bến. Do đó, ngư dân buộc phải bỏ thêm chi phí thuê thuyền nhỏ tăng bo hải sản vào bờ tiêu thụ.

Theo thống kê, mỗi năm, cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim) có 18.000 - 20.000 lượt tàu thuyền ra vào (60-70% có công suất lớn) mang về 8.000 - 9.000 tấn hải sản và tiếp nhận gần 3.000 tấn hàng hóa khác.

Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2633/QĐ-UBND ngày 12/9/2014 về việc phê duyệt Dự án nạo vét và chỉnh trị luồng vào cảng neo đậu tránh trú bão Cửa Sót. Dự án được triển khai từ ngày 15/6/2016 đến ngày 30/12/2019 với tổng mức đầu tư 141 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, luồng lạch nhanh chóng bị bùn cát bồi lấp trở lại.

Do tình trạng bồi lắng tiếp diễn, năm 2020 lại có thêm một dự án khác để nạo vét gần 2km luồng lạch cảng cá Cửa Sót. Dự án có nguồn kinh phí 29,5 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Thế nhưng, sau mỗi dự án, tình trạng bồi lắng lại “đâu vào đấy”.

Không riêng cảng Cửa Sót mà tất cả cảng biển trên địa bàn Hà Tĩnh đều trong tình trạng bồi lắng với mức độ khác nhau. Nếu không được nạo vét thường xuyên thì tàu thuyền không thể cập cảng, nghề đánh bắt đối diện với nhiều khó khăn thách thức.

Vướng cơ chế xã hội hóa

Dù đã chi hàng trăm tỷ đồng khơi thông các cảng cá trên địa bàn, nhưng các dự án này đều bị thất bại, chính quyền lúng túng, còn ngư dân bất lực. Trước những khó khăn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, xã hội hóa nạo vét cảng cá được xem là giải pháp tối ưu, đòi hỏi sự điều chỉnh về quy định để hoạt động nạo hút cát ở cửa sông, cửa biển được thực hiện đúng khuôn khổ pháp lý.

Thực tế, lâu nay chính quyền địa phương cùng Ban Quản lý cảng cá đã kêu gọi doanh nghiệp nạo hút cát theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên đến nay, việc xã hội hóa vẫn chưa được cho phép theo quy định của Nhà nước. Các doanh nghiệp khi hút cát bị cơ quan chức năng đình chỉ, xử phạt.

Theo đại diện lãnh đạo Ban quản lý Cảng cá Hà Tĩnh, lượng cát bồi lấp hàng năm tại cửa sông, cửa biển rất lớn, tuy nhiên kinh phí nạo vét thường xuyên từ Nhà nước không đủ để thực hiện. Vì vậy, cần có quy định xã hội hóa thì các tuyến cảng mới được nạo vét khơi thông, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn cát để phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn.

Cũng theo vị lãnh đạo này, việc xã hội hóa cải tạo, nạo vét luồng các cảng cá là hoàn toàn khả thi vì nhu cầu cát, bùn để phục vụ xây dựng, san lấp mặt bằng ở Hà Tĩnh đang rất lớn. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu và xác định sẽ đầu tư thực hiện nếu được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh: Hồ Kẻ Gỗ tăng lượng xả, dân vùng hạ du tất bật dọn tài sản

    Hà Tĩnh: Hồ Kẻ Gỗ tăng lượng xả, dân vùng hạ du tất bật dọn tài sản

    21:19, 17/10/2021

  • Hà Tĩnh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Hà Tĩnh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    14:29, 12/10/2021

  • Hà Tĩnh: Nhức nhối nạn đổ trộm phế thải xây dựng

    Hà Tĩnh: Nhức nhối nạn đổ trộm phế thải xây dựng

    01:27, 04/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi thông luồng lạch cảng cá ở Hà Tĩnh bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO