Hải Phòng cần nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể
HTX cũng cần phải chú trọng phát triển thương hiệu cho sản phẩm, sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết TƯ khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể (nòng cốt là các HTX) Hải Phòng còn nhiều khó khăn, tồn tại.
Số HTX hoạt động hiệu quả còn ít, chưa có những mô hình lớn, điển hình mang tính quy mô cấp vùng. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GRDP còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX đã được ban hành nhưng tính khả thi thấp. Nhận thức về kinh tế tập thể, HTX của một bộ phận nhỏ cán bộ các cấp còn hạn chế.
Ước tính đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn TP Hải Phòng có 549 HTX, trong đó 347 HTX đang hoạt động, 202 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tổng số thành viên HTX là 62.950 thành viên; số lao động trong HTX là 8.183 người. Doanh thu bình quân của HTX, liên hiệp HTX đến ngày 31/12/2021 ước 8.438 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX, liên hiệp HTX ước tính đến ngày 31/12/2021 là 46,4 triệu đồng/người/năm, tăng 3,09 lần so với năm 2001.
Các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã phát triển phong phú, đa dạng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực không những chỉ trong ngành công nghiệp, thương mại mà còn phát triển ở cả lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy sản, nước sạch, vệ sinh môi trường… Các HTX thay đổi mới công nghệ, nhà xưởng, quan tâm đến chất lượng cạnh tranh với thị trường, để tồn tại và phát triển. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp. Không những thế kinh tế tập thể Hải Phòng còn xuất hiện một số mô hình mới, hiệu quả (như dịch vụ vệ sinh môi trường, nước sạch nông thôn, điện sinh hoạt nông thôn...).
TP Hải Phòng đề ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển gần 300 tổ hợp tác; có trên 500 HTX hoạt động; khu vực kinh tế tập thể đóng góp 0,5% GRDP thành phố; đến năm 2045 phát triển khoảng 400 tổ hợp tác; có trên 600 HTX hoạt động; khu vực kinh tế tập thể đóng góp 0,5% GRDP thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, để HTX phát triển, Hải Phòng cần phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có để thành lập những HTX có quy mô lớn, tập trung vào các lĩnh vực như: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, dịch vụ vận tải, logistics, HTX nuôi trồng thủy, hải sản; có những HTX xuất khẩu nông sản quy mô khu vực, HTX có các sản phẩm OCOP cấp thành phố...
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam lưu ý các HTX cần hoạt động theo điều lệ, quá trình sản xuất tạo ra lợi nhuận cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho việc tái đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới việc kiểm soát HTX, cần có đơn vị kiểm tra, kiểm soát hoạt động của HTX để tạo niềm tin cho thành viên HTX với ban lãnh đạo.
"Hiện nay, các đơn vị rất chú trọng việc xây dựng thương hiệu của sản phẩm của mình. Vì vậy, các HTX cũng không được ngoại lệ, cần chú trọng phát triển thương hiệu cho sản phẩm, sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc...", Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới sẽ là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong điều kiện mới, đặc biệt là vai trò của HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các bộ, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển. Kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh HTX các cấp và tổ chức chính trị – xã hội liên quan đến kinh tế tập thể. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.
Xây dựng các mô hình kinh tế tập thể kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế. Tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, Liên hiệp HTX. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các Liên hiệp HTX, HTX, tổ HTX, nông dân. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, kiên quyết rà soát, xử lý, giải thể các HTX ngừng hoạt động hoặc yếu kém.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tổng kết 20 năm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể
19:15, 20/08/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
19:39, 10/08/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW đổi mới, phát triển kinh tế tập thể
18:50, 04/08/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025
19:33, 22/07/2021