Long An: Liên kết vùng để Phát triển
Với vị trí giáp ranh TP HCM, là cửa ngõ miền Tây và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế.
Vấn đề quan trọng là đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển lâu dài, đưa Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nằm giữa TP HCM và ĐBSCL, có đường biên giới khoảng 133km, có cửa sông Soài Rạp hướng ra Biển Đông, Long An có nhiều lợi thế để phát triển. Long An gần với các cảng biển của TP HCM như: cảng Cát Lái (30 km), cảng Sài Gòn (20 km), cảng Hiệp Phước (5 km).
Đồng bộ hạ tầng giao thông
Hệ thống giao thông trên địa bàn kết nối nhiều tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh thành trong cả nước như: cao tốc TP HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành; hệ thống Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, Quốc lộ 50, Quốc lộ N2 và hệ thống đường tỉnh được đầu tư kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp; kết nối đến Cảng quốc tế Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP HCM, giúp Long An sẵn sàng đáp ứng cho sự chuyển mình, lớn mạnh của nền kinh tế và phát huy vai trò trọng yếu trong liên kết vùng.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, những năm qua, Long An đã tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, nhất là việc phát triển giao thông để tăng liên kết vùng, tạo động lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Nhiều trục đường giao thông quan trọng có ý nghĩa liên kết vùng được hình thành như: tuyến đường ĐT 830 (Đoạn Đức Hòa - Cảng Tân Tập); đường vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; trục động lực kết nối TP HCM - Long An - Tiền Giang.
Các tuyến giao thông huyết mạch đã đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Long An.
Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gồm 14 công trình nằm trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp; kết nối đến Cảng quốc tế Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP HCM. Các tuyến giao thông huyết mạch này đã đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn cũng tỉnh chú trọng đầu tư, xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Tập trung công trình trọng điểm
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Long An đã xác định 03 công trình trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Công trình Đường tỉnh 830E dài 9,1km kết nối vùng kinh tế bắc Bến Lức, Đức Hòa vòng tránh thị trấn Bến Lức kết nối vào ĐT830 đã đầu tư 4 làn xe về Cảng quốc tế Long An; Công trình đường vành đai thành phố Tân An dài 22,5km với quy mô đường đô thị rộng 33m (6 làn xe) là trục động lực để phát triển đô thị Tân An; Và Đường tỉnh 827E (đoạn từ TP HCM đến sông Vàm Cỏ Đông) với thiết kế loại đường phố chính đô thị, có tốc độ thiết kế 80 km/h và quy mô 10 làn xe, rộng 100m.
Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Theo đó, Long An đã đề ra 8 công trình giao thông cần phải đầu tư tại các huyện trọng điểm như đường Tân Tập – Long Hậu, đường Lương Hòa – Bình Chánh, đường tỉnh 826E, ĐT826C kết nối TP HCM, trục động lực Đức Hòa, ĐT824… Các công trình có vai trò kết nối các huyện trọng điểm được quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh với nhau, kết nối đến Cảng Long An và kết nối với TP HCM.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Long An cũng sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương để đầu tư các dự án giao thông có tính chất liên kết vùng trong tỉnh, liên kết với TP HCM như đầu tư đường tỉnh 823D dài 24km rộng 40m (8 làn xe) kết nối đường Hồ Chí Minh, quốc lộ N2 với TP HCM (đường Vành đai 3), các tuyến đường 822B kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) với vùng công nghiệp Đức Hòa, ĐT818 kết nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ N2…
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, các công trình này sau khi hoàn sẽ đóng góp tích cực nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần tạo nền tảng bảo đảm cho Long An phát triển nhanh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm