Long An hướng đến vùng kinh tế công nghệ cao

Diendandoanhnghiep.vn Tỉnh Long An luôn sẵn sàng chào đón, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng phát triển.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, với phương châm "luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh", tỉnh Long An luôn sẵn sàng chào đón, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng phát triển, cùng thành công tại Long An.

 

- Thưa ông, năm 2020, Long An đạt 70,37 điểm và vươn lên đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI, tăng 5 bậc so với năm 2019, thuộc nhóm rất tốt. Vậy đâu là điểm nhấn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Long An thời gian qua?

Thời gian qua, Long An đã quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tạo niềm tin với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Long An cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp… nhằm xây dựng hình ảnh tỉnh Long An là một tỉnh có môi trường đầu tư tiềm năng, thân thiện, bình đẳng trong mắt các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại… Đồng thời, công khai các quy hoạch, các dự án đầu tư lớn để doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm thông tin… Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ là việc tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI mà còn để Long An luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đến nay, tỉnh Long An đã cấp Chứng nhận đầu tư cho 2.060 dự án trong nước với vốn đăng ký hơn 245.272 tỷ đồng (tương đương khoảng 10.634 triệu USD); và 1.111 dự án FDI với vốn đăng ký trên 9.177 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, chiếm 52,9% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD, đạt 39,4 % tổng vốn đăng ký. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 13.119 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 337.106 tỷ đồng (tương đương 14.616 triệu USD).

Không chỉ chuẩn bị cho một quy hoạch mang tầm vóc quốc tế, hiện tỉnh Long An cũng đang xúc tiến các thủ tục để ký kết với một loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để thu hút đầu tư trong tương lai.

- Trong Tọa đàm "Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao" được tổ chức mới đây, tỉnh Long An xác định và lên kế hoạch triển khai khu kinh tế công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị thông minh. Ông có thể nói rõ hơn về khu kinh tế này?

Long An mong muốn hình thành hệ sinh thái công nghiệp phát triển với trình độ và công nghệ tiên tiến, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Vì vậy, tỉnh định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao trên địa bàn gắn với xây dựng đô thị thông minh.

 Long An đang thay đổi từng ngày.

Long An đang thay đổi từng ngày.

Dự án Khu kinh tế Long An dự kiến được tích hợp vào trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.

Định hướng Khu kinh tế này sẽ gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông...

Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.

- Vậy đâu là những lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư của Long An trong thời gian tới, thưa ông?

Với vị trí địa lý đặc biệt sẵn có, Long An đang tập trung thu hút đầu tư ở một số lĩnh vực như: ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, Logistics, dịch vụ hậu cần gắn với Cảng Long An; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, cơ khí chính xác, công nghiệp nhẹ và tự động hóa, sản xuất linh kiện điện tử, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và phát triển đô thị - bất động sản gần TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Long An mong muốn kết nối các doanh nghiệp để liên kết đào tạo lao động kỹ thuật cao phục vụ cho các nhà máy công nghiệp tại Long An, cũng như tại Việt Nam nói chung.

- Theo ông đâu là lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư?

Nằm giữa TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới khoảng 133 km, có cửa sông Soài Rạp hướng ra Biển Đông, Long An có nhiều lợi thế để phát triển, là cửa ngõ giữa TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, gần với các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh như cảng Cát Lái (30 km), cảng Sài Gòn (20 km), cảng Hiệp Phước (5 km). Hệ thống giao thông trên địa bàn kết nối nhiều tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh thành trong cả nước như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành; hệ thống Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, Quốc lộ 50, Quốc lộ N2 và hệ thống đường tỉnh được đầu tư kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp; kết nối đến Cảng quốc tế Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP. Hồ Chí Minh, giúp Long An sẵn sàng đáp ứng cho sự chuyển mình, lớn mạnh của nền kinh tế và phát huy vai trò trọng yếu trong liên kết vùng.

 Các đại biểu trao đổi thông tin tại tọa đàm Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao Long An.

Các đại biểu trao đổi thông tin tại tọa đàm Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao Long An.

Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.382,3 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 89,2%. Các khu công nghiệp đã thu hút được 1.629 dự án đầu tư, trong đó có 794 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 4.567,6 triệu USD và 835 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 91.499,8 tỷ đồng. Đối với khu kinh tế cửa khẩu có 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, diện tích 21,2 ha và 02 dự án đầu tư trong nước với diện tích thuê đất là 0,66 ha.

Long An hiện có 22 cụm công nghiệp với diện tích 1.342,4 ha đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 77,6%; thu hút 622 dự án với diện tích đất đã cho thuê 756,4 ha; 38 cụm công nghiệp đang triển khai với diện tích 1.862,9 ha.

Hiện, Long An đang khởi động nhiều chương trình hướng đến mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp có nền kinh tế phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Với Long An vấn đề này được giải quyết như thế nào thưa ông?

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh đã xác định 03 công trình trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025 là: một là Công trình Đường tỉnh 830E dài 9,1km kết nối vùng kinh tế bắc Bến Lức, Đức Hòa vòng tránh thị trấn Bến Lức kết nối vào ĐT830 đã đầu tư 4 làn xe về Cảng quốc tế Long An; hai là Công trình đường vành đai thành phố Tân An dài 22,5km với quy mô đường đô thị rộng 33m (6 làn xe) là trục động lực để phát triển đô thị Tân An; ba là Đường tỉnh 827E (đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đến sông Vàm Cỏ Đông) với thiết kế loại đường phố chính đô thị, có tốc độ thiết kế 80 km/h và quy mô 10 làn xe, rộng 100m.

Đồng thời, tỉnh Long An sẽ triển khai Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; theo đó, đề ra 8 công trình giao thông cần phải đầu tư tại các huyện trọng điểm như đường Tân Tập – Long Hậu, đường Lương Hòa – Bình Chánh, đường tỉnh 826E, ĐT826C kết nối TP. Hồ Chí Minh, trục động lực Đức Hòa, ĐT824… Các công trình có vai trò kết nối các huyện trọng điểm được quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh với nhau, kết nối đến Cảng Long An và kết nối với TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, tỉnh cũng sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương để đầu tư các dự án giao thông có tính chất liên kết vùng trong tỉnh, liên kết với TP. Hồ Chí Minh như đầu tư đường tỉnh 823D dài 24km rộng 40m (8 làn xe) kết nối đường Hồ Chí Minh, quốc lộ N2 với TP. Hồ Chí Minh (đường Vành đai 3), các tuyến đường 822B kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) với vùng công nghiệp Đức Hòa, ĐT818 kết nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ N2….

Các công trình này sau khi hoàn sẽ đóng góp tích cực nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng trong thời gian tới; góp phần tạo nền tảng bảo đảm cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm mà Long An triển khai trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu này?

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, tỉnh Long An đang khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Đây sẽ là bản quy hoạch chiến lược với tầm nhìn dài hạn, đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đồng thời mang bản sắc riêng của tỉnh dựa trên các trụ cột công nghiệp là động lực phát triển, dịch vụ logistics và đô thị sinh thái là quan trọng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ đạo.

Đồng thời, tỉnh cũng mạnh dạn định hướng hình thành Khu kinh tế công nghệ cao trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng đô thị thông minh, đây là nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên cho những nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư những ngành nghề trọng điểm, công nghệ cao như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với phát triển nền kinh tế số; đồng thời, tỉnh mong muốn thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm logistics tại các địa bàn tiềm năng, lợi thế như Bến Lức, Cần Giuộc… Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để Long An phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Long An hướng đến vùng kinh tế công nghệ cao tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1715108102 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1715108102 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10