Mua nhà mà... không có điện

LÊ CƯỜNG 10/11/2021 20:40

Bỏ tiền tỷ mua nhà ở nhiều khu đô thị ở TP. Hạ Long nhưng hàng chục năm nay, người dân lại phải “xin, nhờ” hoặc chịu thiệt thòi trả giá cao hơn quy định để có điện sinh hoạt.

Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B, thành phố Hạ Long do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội triển khai, nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện hệ thống điện.

 Dây điện chẳng chịt khiến nhiều khu đô thị mới tại Hạ Long xấu xí. Ảnh Lê Cường

Dây điện chẳng chịt khiến nhiều khu đô thị mới tại Hạ Long xấu xí. Ảnh Lê Cường

Dân thiệt, phố xấu

Bà Trần Thị Lan, người dân TP Hạ Long, cho biết: “Gia đình tôi mua nhà hơn 5 năm nay, tuy nhiên sau khi vào sinh hoạt mới thấy nhiều bất cập về hạ tầng điện, nước. Do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hệ thống điện lưới, nên gia đình tôi và rất nhiều gia đình khác phải xin kéo nhờ điện ở các khu dân cư xung quanh”.

Ngay cạnh đó là dự án Đầu tư xây dựng- kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh C do Công ty CP Phát triển dự án Biển Đông đầu tư cũng không khá hơn bao nhiêu. Sau 8 năm xây dựng, hiện chủ đầu tư mới chỉ tiến hành thỏa thuận đấu nối với ngành điện, chưa làm các thủ tục vận hành đóng điện cho người dân. Và như vậy, người dân vẫn cứ phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để tìm điện, điều mà đáng ra họ được hưởng trước khi vào sinh sống.

Còn theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại Khu đô thị Tân Việt Bắc - Đông Triều, từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2021, ngoài số tiền điện phải đóng theo quy định, họ phải đóng thêm 7% chi phí quản lý, vận hành, hao phí cho Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc. Có những gia đình sử dụng 688kWh/tháng, thay vì phải đóng 2 triệu tiền điện thì số tiền thực tế nộp vào công ty lên tới gần 2,7 triệu đồng.

Cần cơ chế cho chủ đầu tư

Ông Phạm Minh Hiếu, Trưởng Ban quản lý dự án công ty Tân Việt Bắc, cho biết: “Trung bình mỗi năm Công ty chi trả khoảng 1 tỷ đồng tiền tổn thất do có sự chênh lệch về tổng số điện sử dụng của các hộ dân với số điện thực tế công ty phải thanh toán với Điện lực Đông Triều. Do đó, công ty buộc phải tính thêm 7% chi phí hao tổn để chia đều cho các hộ dân”.

“Trước sự khiếu nại của người dân, tháng 10/2021 Công ty đã dừng việc thu thêm tiền chênh lệch và hoàn trả lại 7% mà các hộ dân đã phải đóng 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, đối với kiến nghị được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Điện lực Đông Triều vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do Công ty vẫn chưa thể bàn giao quản lý vận hành toàn bộ các trạm biến áp cho Điện lực Đông Triều”, ông Hiếu nói.

Ông Lê Quang Toản, Trưởng Phòng Kế hoạch- Vật tư, Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: “Qua khảo sát thực tế tại KĐT Tân Việt Bắc cho thấy, có nhiều tồn tại cần khắc phục, xử lý như: Các tủ hạ thế chưa có biển báo an toàn; thiết kế tủ không niêm phong, kẹp chì; không có mốc báo cáp ngầm trung thế, hạ thế; vị trí đặt trạm biến áp không theo quy hoạch…”.

Như vậy có thể thấy sự yếu kém của một số chủ đầu tư, tuy nhiên đây không phải nguyên nhân duy nhất mà còn do cơ chế, chính sách. Cụ thể, Quyết định 41/2017/QĐ-TTg về điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang EVN quản lý, nêu rõ: Chỉ điều chuyển với các công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, còn các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn khác chưa có chủ trương bàn giao, tiếp nhận. Trong khi đó, rất nhiều khu đô thị trên địa bàn Quảng Ninh được thực hiện bằng hình thức đổi đất lấy công trình. Do đó, nhiều khu đô thị ở Quảng Ninh chưa thể bàn giao trạm biến áp cho Điện lực.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Điện lực hiện hành tồn tại... quá nhiều bất cập

    Luật Điện lực hiện hành tồn tại... quá nhiều bất cập

    04:10, 02/08/2021

  • Cương quyết xử lý dứt điểm sai phạm tại đại học Điện lực

    Cương quyết xử lý dứt điểm sai phạm tại đại học Điện lực

    04:20, 18/06/2021

  • Vì sao Công ty Điện lực Lào Cai chưa công khai vụ tai nạn điện?

    Vì sao Công ty Điện lực Lào Cai chưa công khai vụ tai nạn điện?

    04:00, 31/05/2021

LÊ CƯỜNG