Lai Châu: Đề xuất xem xét, điều chỉnh kế hoạch phát triển cây mắc ca
Lai Châu là tỉnh có tiềm năng lớn nhất để phát triển cây mắc ca trong thời gian tới. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN và PT Nông thôn Lê Quốc Doanh tại buổi làm việc với địa phương này (12/11).
Là địa phương có ưu thế trong phát triên nông, lâm nghiệp, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lĩnh vực ưu thế này. Trong đó có chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Lai Châu là tỉnh thuần nông, trong thời gian tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết rất rõ ràng, phát huy lợi thế để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong đó, Lai Châu đã đi đầu trong việc trồng và mở rộng diện tích mắc ca và nhiều loại cây trồng khác như chè, cao su... Qua đó, đã giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, thực tế tại cơ sở và nghe báo cáo về sản lượng thu hoạch mắc ca của người dân và doanh nghiệp sẽ là cơ sở để Bộ lấy căn cứ xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch cho từng vùng. Lai Châu là tỉnh có tiềm năng lớn nhất để phát triển cây mắc ca trong thời gian tới, tuy nhiên đây là loại cây phải đầu tư lớn, phải cần chăm sóc, đề nghị tỉnh và các doanh nghiệp cần thực hiện phát triển mắc ca một cách bài bản, thận trọng, hiệu quả bền vững.
Hiện nay, Lai Châu đang tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực như chè (trên 8.500 ha), cây ăn quả (trên 8.200 ha); cao su (gần 13.000 ha); cây gỗ lớn (trên 17.000ha); dược liệu (17.700 ha). Đối với cây mắc ca, tỉnh Lai Châu đã triển khai trồng từ năm 2011, chủ yếu gồm các dòng như OC, 816, 246, 842, 849, ngoài ra còn một số dòng khác như 741, 900, 695, Daddow, QN… Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có 5.209 ha mắc ca, cây sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, ra hoa nhiều và tỷ lệ đậu quả cao.
Trong thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung phát triển các loại cây lâm nghiệp với diện tích lớn, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: Mắc ca phát triển khoảng 118.000 ha; quế khoảng 15.000 ha; phát triển vùng chè trên 10.000 ha theo hướng an toàn, chất lượng...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, trong định hướng của tỉnh, cây mắc ca cũng là cây chủ lực để phát triển nhằm tạo an sinh xã hội, tạo sinh kế việc làm, nhất là cho người dân vùng biên giới.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp xem xét hỗ trợ tỉnh xây dựng các nguồn giống và vườn ươm cây giống mắc ca chất lượng cao tại các huyện để chủ động sản xuất giống phục vụ kế hoạch phát triển cây mắc ca trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hỗ trợ tỉnh trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ hạt mắc ca; hỗ trợ xây dựng một số cơ sở sơ chế, chế biến hạt mắc ca tại một số vùng nguyên liệu trọng điểm. Đồng thời, xem xét, điều chỉnh kế hoạch phát triển mắc ca tỉnh Lai Châu đến năm 2030 là 35.000 ha, đến năm 2050 là 60.000ha cho phù hợp với điều kiện quỹ đất và đề xuất của nhà đầu tư.
Năm 2022, tỉnh Lai Châu sẽ có một diện tích lớn mắc ca được thu hoạch, đây chính là cơ hội để địa phương này đánh giá cụ thể về chất lượng cây giống, khả năng cho năng suất của từng vùng, từng giống, biện pháp chăm sóc.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, tỉnh cần xác định bộ giống tốt, phù hợp cho địa phương vì đây là cây dài ngày, không được dùng sai giống sẽ gây tốn kém và hiệu quả không cao, từng bước hình thành gói thâm canh bền vững; Xây dựng vườn ươm giống có cây đầu dòng để kiểm soát ngay tại chỗ, tạo nghề công nghệ cao cho cả tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cần hình thành vườn mẫu ở các địa phương và có kế hoạch chuẩn bị ngay cơ sở chế biến để tạo ra chuỗi giá trị; Rà soát xây dựng chính sách hài hòa lợi ích gắn với trách nhiệm của địa phương, người dân và doanh nghiệp. Bộ sẽ giao đơn vị thuộc Bộ hỗ trợ vườn cây đầu dòng tại tỉnh để chuẩn hóa giống và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng, trình phê duyệt quy hoạch, tạo điều kiện tốt nhất cho tỉnh Lai Châu trong việc trồng và phát triển cây mắc ca.
Có thể bạn quan tâm
Tận hưởng chất sống tinh hoa tại biệt thự đảo hồ Tây Bắc
09:00, 18/08/2021
Dự án Khu đô thị thiên đường Mắc Ca (Lai Châu): Công khai kết quả đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư
13:11, 16/04/2021
Lai Châu: Tạo cơ hội để hút đầu tư vào nông nghiệp
06:36, 04/03/2021
Sẽ mở rộng đối tượng và nguồn để hỗ trợ đầu tư lĩnh vực nông nghiệp
09:15, 11/11/2021