Doanh nghiệp Tiền Giang lấy lại đà tăng trưởng
Hiện nay, độ mở của nền kinh tế rất lớn, dư địa để doanh nghiệp phát triển còn nhiều. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ sớm lấy lại đà phát triển.
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Đỗ Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang cho rằng: Sự đồng hành của các cấp chính quyền và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới khả năng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Đỗ Liêm: Hiện nay các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở Tiền Giang đã trở lại làm việc theo nguyên tắc thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình trạng bình thường mới. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào hoạt động hết công xuất, bởi một số lý do.
- Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ông đánh giá thế nào về sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp?
Ngoài nỗ lực tự tìm cách khắc phục, vượt qua khó khăn, hoạt động an toàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ các cấp chính quyền. Việc hướng dẫn thực hiện “một cung đường hai điểm đến”, xét nghiệm nhanh linh hoạt, bố trí địa điểm ăn, ở hơp lý đã làm cho chuỗi sản xuất không bị đứt gẫy, nhiều doanh nghiêp đã về đích đúng hạn trong mùa dịch.
Đặc biệt, UBND tỉnh Tiền Giang đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, tạo tiền đề cho doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
>>Tiền Giang phát triển du lịch thông minh
>>Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đẩy mạnh kết nối tiêu thụ hàng hóa
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến và kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân gặp khó khăn tiếp tục được thực hiện.
- Hiện nay, Tiền Giang đang triển khai hàng loạt giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế. Theo ông, đâu là giải pháp trọng tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp?
UBND tỉnh đã có hướng dẫn việc khôi phục xản xuất kinh doanh, và số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại đã tăng rất nhiều. Dự báo, hết tháng 11, sẽ có 100% doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường nội địa chưa hồi phục, thị trường xuất khẩu cần phải chờ thời gian nối kết lại, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Do đó, bên cạnh việc thường xuyên lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, các cấp chính quyền cần đẩy nhanh cải cách hành chính, cắt giảm các chi phí không chính thức, triển khai dứt điểm các chính sách an sinh hỗ trợ của Chính phủ đã ban hành cho người lao động, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công tạo vốn mồi thu hút các nguồn lực đầu tư khác.
- Hiệp hội có giải pháp, hành động gì để hỗ trợ các hội viên, thưa ông?
Những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm vẫn còn rất nhiều. Doanh nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách mới từ tỉnh, Trung ương để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Các giải pháp, chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phải đi vào thực chất, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, chúng tôi sẽ phát huy vai trò là cầu nối kịp thời tập hợp ý kiến và các vấn đề doanh nghiệp quan tâm để đề xuất với chính quyền nhằm xây dựng các chính sách có hiệu quả nhất, tạo các điều kiện thuận lợi cho hội viên phát huy khả năng cạnh tranh, tồn tại và phát triển trong tình hình mới. Hiệp hội tổ chức thực hiện liên kết và hỗ trợ giữa các hội viên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau, trung gian nghiên cứu khảo sát, điều tra thị trường, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường trong và ngoài nước...
- Ông nhận định như thế nào về triển vọng phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian tới?
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng tiền, lao động; đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng; chi phí đầu vào, phòng chống dịch… tăng trong khi giá đầu ra khó tăng ngay. Chính vì vậy, khả năng khống chế dịch và tăng tốc tiêm vaccine, sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thực thi hiệu quả của các cấp chính quyền và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới khả năng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.
- Cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm