Bình Phước: Đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời
Bình Phước đã xác định phát triển điện mặt trời là chương trình có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương thời gian tới.
>>Bình Phước: Vươn lên TOP đầu về cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử
Thời gian qua, Bình Phước đã đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống điện đảm cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tư mạnh mẽ hạ tầng điện
Báo cáo của Sở Công Thương Bình Phước, giai đoạn 2016-2020, tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tăng đáng kể từ 1.315,89 triệu kwh vào cuối năm 2015 lên 2.500,22 triệu kwh vào cuối năm 2020, bình quân mỗi năm tăng 13,70%. Nhu cầu tăng cao nhất là điện cho công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 20,43%/năm, thương mại - dịch vụ 18,73%/năm, quản lý - dân cư khoảng 7,94%/năm. Tỷ lệ hộ sử dụng điện trong toàn tỉnh tăng từ 98% năm 2015 lên 99,05% năm 2020 là một sự cố gắng lớn do trên địa bàn.
>>Bình Phước: Điểm sáng hút đầu tư
>>Bình Phước hướng tới nền hành chính hiện đại
Đến nay, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành gồm: Nguồn năng lượng sơ cấp tại chỗ: Đã đưa vào vận hành thương mại 09 nhà máy thủy điện với tổng công suất 383,8MW; 06 nhà máy điện mặt trời mặt đất với tổng công suất 850MWp; điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 511MWp. Bình Phước cũng đã đưa vào vận hành 01 trạm 500KV – Chơn Thành với công suất 900MVA và 01 trạm 220KV công suất 250MVA Chơn Thành cấp nối với trạm 500KV Chơn Thành; 01 trạm 220kV - Bình Long 2 với công suất 500MW và hàng nghìn km đường dây trung -hạ áp...
Để đảm bảo đủ công suất điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh và phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh trong việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, Bình Phước đặt mục tiêu, giai đoạn 2021 -2025, phát triển nguồn năng lượng sơ cấp tại chỗ khoảng 4.300MW. Trong đó, thủy điện 60MW, điện sinh khối 150MW, chất thải rắn 80MW, điện mặt trời 4.000MW, nhiệt điện 7,5MW.
Tỉnh cũng đề nghị EVN đầu tư lắp thêm 01 máy biến áp 500kV Chơn Thành công suất 900MVA; xây dựng mới 256 km đường dây 220kV, 03 trạm biến áp 220kV công suất 750MVA(Phước Long -250MVA, Đồng Phú -250MVA, Đồng Xoài -250MVA) … nhằm cấp điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, thương mại, du lịch cũng như để giải tỏa công suất điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời trong giai đoạn tới.
Chuyển hóa đất cằn thành dự án điện mặt trời.
Bình Phước là một trong ba địa phương có cường độ bức xạ cao (bình quân khoảng 5,14 kWh/m2/ngày, số giờ nắng từ 2.400-2.500 giờ/năm). Hệ thống truyền tải quốc gia hiện có ở các cấp điện áp 500KV, 220KV, 110KV và dưới 110kV trải đều trên địa bàn tỉnh. Diện tích đất quy hoạch cho phát triển điện mặt trời chủ yếu là đất trồng cây công nghiệp không hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho biết tỉnh đã xác định phát triển điện mặt trời là chương trình có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương thời gian tới, đặc biệt, trong điều kiện các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện... ngày càng gặp nhiều khó khăn .
Từ một tỉnh là điểm trắng về sản xuất điện mặt trời đến cuối năm 2020 Bình Phước đã phát triển 06 nhà máy điện mặt trời mặt đất với tổng công suất 850MWp; điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 511MWp. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước sẽ đưa vào quy hoạch và triển khai thực chương trình điện mặt trời khoảng hơn 984MW.
Theo ông Dũng, vướng mắc nhất trong phát triển điện mặt trời hiện nay là việc xem xét phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia chậm được xem xét, phê duyệt. Hầu hết các hồ sơ dự án tỉnh đề nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia tạm thời dừng, chờ Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-230, có xét tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) phê duyệt. Hệ thống điện truyền tải Quốc gia hiện hữu chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối và giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời trong khu vực miền Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng...
Ông Dũng cho rằng, để sớm đưa các nhà máy vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển của tỉnh, đề nghị, Bộ Công Thương sớm thẩm định trình Thủ tướng các dự án điện mặt trời bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia đã được tỉnh Bình Phước trình Bộ Công Thương; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định chi tiết, rõ ràng hơn đối với việc đầu tư, quản lý, vận hành điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà có công suất dưới 01MW nói riêng để cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở quản lý, kiểm tra, đánh giá và định hướng phát triển.
Đồng thơi, hướng dẫn, quy định trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong đầu tư các dự án điện mặt trời trên mặt nước, vùng bán ngập ở các lòng hồ thủy điện, thủy lợi … Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sớm hoàn ban hành cơ chế để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện.
Có thể bạn quan tâm