Nan giải bài toán nước ngọt tại Cát Bà
Nguồn nước ngọt ở đảo Cát Bà đang bị nhiễm mặn, cạn kiệt dần. Do đó, việc nâng cấp đồng bộ hạ tầng cấp nước trên đảo Cát Bà cần sớm được thực hiện.
>> Cát Bà không được khát nước
Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng nước trên đảo Cát Bà rất tốn kém và khó khăn, nhất là khi nước biển Cát Bà đang bị đục hóa và các giếng khoan bị suy thoái về chất lượng…
Nguy cơ cạn kiệt nước
Mùa hè năm 2018 có lẽ là mùa hè đáng nhớ với người dân đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Do mùa mưa đến rất muộn và kết thúc sớm đã gây ra hiện tượng thiếu nước ngọt ở Cát Bà. Đây là năm đầu tiên Cát Bà bị thiếu nước ngọt trầm trọng, mặc dù lượng mưa trung bình năm tại Cát Bà khá lớn, từ 1.600 – 1.800mm. Thời điểm đó, người dân tại đảo Cát Bà phải chịu cảnh cắt nước luân phiên; còn các nhà hàng, khách sạn phải tiêu tốn nhiều tiền để mua nước phục vụ du khách.
Ngay sau sự cố nói trên, tình trạng thiếu nước ngọt tại Cát Bà đã dần được giải quyết. Trong đó, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đưa vào hoạt động dây chuyền xử lý nước biển thành nước ngọt; nghiên cứu, triển khai giải pháp khai thác xử lý nước lợ tại xã Phù Long và xây hồ chứa nước mới tại xã Phù Long; phối hợp với huyện Cát Hải khoan bổ sung các giếng khoan khu vực Hải Sơn và khu vực trung tâm thị trấn Cát Bà, đáp ứng cung cấp gần 4.500 m3/ngày cho Nhà máy nước Cái Giá xử lý nước, phục vụ người dân, du khách.
Theo đại diện Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, với trữ lượng nước sạch hiện nay, Công ty có thể đáp ứng được sự phát triển du lịch Cát Bà đến năm 2025. Tuy nhiên, việc đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước biển hiện nay rất tốn kém. Cùng với đó, nước biển Cát Bà đang bị đục hóa nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật. Trong khi đó, các giếng khoan nước ngầm đang dần bị suy thoái về chất lượng do nước giếng khoan tại Cát Bà tăng cao lên đến trên 1.000mg CL/l.
Cần thêm nhiều hồ chứa mới
Theo tính toán, giai đoạn 2025-2030, để đáp ứng nhu cầu cấp nước phục vụ phát triển du lịch trên đảo Cát Bà, cần xây dựng bổ sung hồ chứa nước mặt dung tích 1,5 triệu – 2 triệu m3. Từ đó, nâng công suất sản xuất nước sạch từ các hồ chứa lên khoảng 6.000-8.000 m3/ngày.
>> Hải Phòng quyết đưa Cát Bà ghi danh di sản thiên nhiên thế giới
Ông Cao Văn Quý – Phó tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết, năm 2018, Công ty đã xây dựng cụm xử lý nước biển 1.500m3/ngày đêm tại Cát Bà. Đến năm 2021, Công ty đã xây thêm 1 hồ nữa nâng công suất xử lý nước biển lên 3.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, về lâu dài, cần xây mới các hồ chứa nước đủ lớn để điều hoà giữa mùa mưa và mùa khô. Hiện phía công ty có giải pháp xây dựng những khu xử lý nước lợ và nước giếng khoan nhiễm mặn tại khu vực Phù Long để phục vụ cho việc phát triển du lịch tại đây; đồng thời khoan các giếng nước lợ với độ mặn khoảng 2.000 – 3.000mg/l. Đây cũng là giải pháp cho các vùng nước bị nhiễm lợ.
Cũng theo ông Cao Văn Quý, về lâu dài, TP. Hải Phòng cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong quá trình lập các đồ án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên đảo Cát Bà cần quan tâm tính toán quy hoạch các nguồn nước, hệ thống cấp nước. Đồng thời, cho phép Công ty tiếp tục thăm dò, khai thác nguồn nước ngầm tại các khu vực tiềm năng trên đảo Cát Bà. Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cát Hải cần tạo điều kiện giúp đỡ Công ty hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các nhà máy xử lý nước, trạm bơm khai thác nước đầu nguồn…
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng di chuyển hoạt động Cảng cá Cát Bà để phát triển du lịch
01:38, 10/11/2021
Đánh giá hồ sơ đề cử Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới
08:51, 10/10/2021
Hải Phòng: hoàn thành tuyến đường "xanh" xuyên đảo Cát Bà
11:22, 04/10/2021
Cát Bà trước giờ "G" tháo dỡ lồng bè
11:00, 26/08/2021
Hải Phòng: Hơn 6.000 tấn thuỷ sản Cát Bà tiêu thụ ra sao?
06:10, 26/08/2021
Hải Phòng: Doanh nghiệp chung tay tiêu thụ hải sản tại Cát Bà
03:10, 24/08/2021