Hà Tĩnh: Kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ kéo dài
Hà Tĩnh hiện có 244 dự án chậm tiến độ, trong đó 45 dự án đã cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, 46 dự án chưa giải phóng mặt bằng, 50 dự án chưa được cho thuê đất do vướng Nghị định 148…
>>Quảng Ninh: Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng
Năm 2021, Hà Tĩnh được xem là “điểm sáng” trong việc thu hút đầu tư với hàng loạt dự án khủng được triển khai. Hiện toàn tỉnh có trên 1.400 dự án đầu tư trong đó có 1.236 dự án đầu tư trong nước, 74 dự án đầu tư nước ngoài. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Mới đây nhất là dự án nhà máy VINES với tổng vốn đăng ký 8.800 tỷ đồng vừa được khởi công tại KKT Vũng Áng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì việc triển khai nhiều dự án còn chậm, chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư hoặc quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng môi trường đầu tư và khó khăn cho nhà đầu tư.
Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, tỉnh này hiện có 294 dự án chậm tiến độ, trong đó, đã tiến hành thu hồi 50 dự án, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt hành chính 88 dự án với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Đối với 244 dự án còn lại được phân theo 4 nhóm. Trong đó, nhóm 1 có 90 dự án đã thực hiện thủ tục thuê đất và đang triển khai đầu tư xây dựng; nhóm 2 có 45 dự án đã cho thuê đất nhưng chậm tiến độ kéo dài, không đưa vào sử dụng; nhóm 3 có 46 dự án chưa hoàn thành GPMB, chưa được cho thuê đất và nhóm 4 có 50 dự án (100% đất do nhà nước quản lý) chưa được cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020. Riêng KKT Vũng Áng có 13 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư thuê lại đất trong các khu công nghiệp chậm tiến độ.
Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ là do năng lực nhà đầu tư hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ. Một số ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát trong công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án. Ngoài ra, dịch COVID-19 bùng phát phức tạp cũng là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Đối với những dự án chưa được cho thuê đất, ông Hà cho rằng, theo quy định tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP, các dự án cho thuê đất đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất thì phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra và làm việc cụ thể với từng dự án để xem xét chấm dứt dự án hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về phương án xử lý với dự án chậm tiến độ, ông Hà cho hay sẽ phân loại các dự án để có biện pháp xử lý phù hợp nhưng tinh thần vẫn là kiên quyết thu hồi với những dự án chậm tiến độ kéo dài.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định, Hà Tĩnh rất quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư, tuy nhiên khâu thẩm định hồ sơ cần được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Tỉnh sẽ kiến quyết thu hồi nếu dự án chậm tiến độ kéo dài.
Có thể bạn quan tâm