Nông dân Gia Lai ngóng tin từ cửa khẩu Tân Thanh
Nhiều người nông dân cho hay, sáng ra sau khi dậy khỏi giường là cầm chiếc điện thoại, mở tin về cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn để nghe ngóng chuyện thông quan của hàng nông sản.
>>Gia Lai: Đấu giá lô gỗ cao su ở Chư Păh kịch tính giá chốt
Rời nhà 5 tháng để đến với miền đất Ia Lâu huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai để làm dưa hấu, anh Nguyễn Văn Tân chưa một lần về nhà. Với quyết tâm và trách nhiệm của một người chồng, người cha, anh xoay xở thuê 1,5 ha đất với giá 17 triệu đồng để trồng dưa. Sau hơn 3 tháng cặm cụi với gió, nắng, lạnh của miền đất vùng biên giới thì dưa hấu cũng được thu. Thế nhưng đã quá đợt thu hái 5 ngày, ruộng dưa hấu của anh vẫn chưa có thương lái nào đến hỏi. Sốt ruột, anh gọi điện cho nhiều thương lái đến mua dưa, nhưng chỉ nhận được câu trả lời, cửa khẩu tắc không xuất đi được, tạm thời chưa mua.
Thông tin các cửa khẩu ở phía Bắc bị ách tắc do Trung Quốc làm chặt để kiểm soát dịch COVID-19, thì bây giờ mỗi buổi sáng thức dậy, điều đầu tiên anh Tân làm là cầm chiếc điện thoại ngóng thông tin thông quan hàng hoá để vườn dưa hấu của anh được tiêu thụ.
Anh Nguyễn Văn Tân, người trồng dưa hấu ở xã Ia Lâu huyện Chư Pr ông buồn bã chia sẻ “vườn dưa của tôi, ước năm nay sản lượng khoảng 45 tấn. Đã quá đợt thu 5 ngày rồi mà chưa thấy thương lái nào đến hỏi, gọi hỏi họ thì họ trả lời cửa khẩu tắc nên chưa đến mua. Nếu để vài bữa nữa thì dưa của tôi cũng hư hết. Như thế thì năm nay mất trắng.”
Để có được 1,5 ha dưa hấu cho thu trái thì anh Tân đã gom góp ở gia đình hơn 250 triệu đồng để đầu tư. Ngoài ra năm nay, bọ trĩ xuất hiện nhiều nên người trồng dưa cũng phải tăng rất nhiều chi phí để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Đã có thâm niên làm dưa gần chục năm, anh Đào Kim Sơn – 31 tuổi người Bình Định trồng dưa hấu tại xã Ia Lâu huyện Chư Prông cũng cho hay: “Vườn dưa của tôi cũng đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng ngóng mãi cũng chưa thấy thương lái nào đến mua. Chúng tôi ngóng thông tin từ cửa khẩu 24/24 giờ. Cứ mở mắt ra là cầm điện thoại để xem thông tin thôi.”
Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, ông Lê Thành Công cho hay: “Trên địa bàn xã cũng có hơn 60ha trồng dưa. Trong đó 40% diện tích là người dân ở xã tự trồng, còn lại là người khác đến thuê đất để làm. Tình hình này, chúng tôi cũng đã và đang nắm bắt để kiến nghị cấp trên có biện pháp giải cứu cho người nông dân.”
Tại huyện Chư Prông cũng ghi nhận một số vườn dưa đang được thu mua, bà Nguyễn Thị Thu một thương lái người Quảng Nam cho hay: “Dưa này phải hái để chúng tôi đi bán trong nước. Vì một số vườn chúng tôi đã đặt cọc, nếu không hái kịp thì ít ngày nữa dưa sẽ mềm và thúi hết. Nên giờ thương lái chúng tôi cũng gỡ gặc đầu nào hay đồng ấy chứ, giờ không đi cửa khẩu thì cũng chỉ biết hái đem ra một số tỉnh bán lẻ lấy lại vốn thôi.”
Toàn tỉnh Gia Lai có khoảng hơn một ngàn ha trồng dưa hấu, với sản lượng khoảng 60.000 tấn. Người nông dân như đang ngồi trên đống lửa khi dưa đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng lại không xuất được hàng đi Trung Quốc vì các cửa khẩu bị tắc. Mỗi ngày người nông dân mở chiếc radio 24 giờ, thêm vài lần mở điện thoại chỉ để ngóng cửa khẩu thông quan, cho nông sản của mình được mua xuất đi.
Có thể bạn quan tâm
Gia Lai: Đấu giá lô gỗ cao su ở Chư Păh kịch tính giá chốt
03:30, 21/12/2021
Gia Lai: 112 đơn vị trường học lạm thu phải trả lại 2 tỷ đồng
10:56, 19/12/2021
Gia Lai: Hội doanh nhân trẻ kết nối đầu tư cho thị xã Ayun Pa
01:26, 16/12/2021
Gia Lai: Mời đấu thầu xây dựng 3 dự án đường giao thông
09:56, 10/12/2021