Vận tải Quảng Nam muốn đưa khách vào bến xe trung tâm Đà Nẵng
Để cải thiện tình trạng kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam muốn nối tuyến với Đà Nẵng để có thể đặt điểm đến tại bến xe trung tâm.
>>Dân "đi không được, ở chẳng yên" tại các dự án treo Đà Nẵng
Từ ngày 01/10/2020, TP Đà Nẵng đã thực hiện phương án điều chỉnh lộ trình di chuyển đối với 5 tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng theo hướng không đi vào nội thành.
Nối tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo tìm hiểu, trước khi lộ trình di chuyển các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng bị điều chỉnh, mỗi ngày 5 tuyến xe buýt này vận chuyển gần 10.000 lượt khách. Qua nhu cầu của hành khách, các tuyến xe trên cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông... trên các tuyến đường.
Sau khi TP Đà Nẵng thực hiện điều chỉnh lộ trình di chuyển các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã lâm vào cảnh khó khăn, hàng chục phương tiện phải nằm bến vì mất đi lượng khách hàng truyền thống. Lý do là vì không thể vào được đến nội thành Đà Nẵng, người dân Quảng Nam đã chọn các hình thức đi lại khác thay vì di chuyển bằng xe buýt nên nhiều đơn vị đã chịu cảnh “ế khách”.
Chị Trương Thị Mỹ Duyên (người dân Hội An) cho rằng việc phải đi nhiều lượt xe buýt mới ra đến trung tâm Đà Nẵng mang lại nhiều bất tiện cho người dân. Người dân trong đó có cả sinh viên, người lao động phải tốn thêm nhiều thời gian để đợi tuyến, hơn nữa các xe buýt nội thành Đà Nẵng phải dừng nhiều trạm mới đến điểm cuối.
“Việc thay xe, đợi trạm khiến hành khách rất nản, đồng với phải di chuyển qua lại giữa các xe cũng khiến hành khách cũng thấy mệt mỏi. Thay vì vậy, nên có một tuyến xe di chuyển đúng tuyến từ điểm đi Quảng Nam đến thẳng trung tâm thành phố Đà Nẵng, như thế sẽ tiện lợi hơn, người dân cũng không còn nản lòng mà thay đổi các hình thức đi lại”, chị Duyên nói.
>>Đà Nẵng tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
>>Tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng thuộc top đầu của cả nước
Ngoài ra, việc các nhà xe tạm dừng hoạt động đã khiến người lao động, doanh nghiệp trong ngành nghề bị ảnh hưởng tiêu cực. Sau khi gặp khó khăn vì dịch COVID-19, việc không thể hoạt động cũng đã khiến doanh nghiệp lao đao, lái xe lâm vào cảnh thất nghiệp còn người dân thì gặp khó khăn trong di chuyển cũng như hoạt động kinh tế.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp vận tải hành khách tại Quảng Nam rất mong TP Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình để các tuyến xe buýt liền kề được vào đến bến xe trung tâm thành phố. Từ đó, hai địa phương có thể khôi phục hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Ông Ông Văn Dũng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Phương Vy (tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng) nhận định vấn đề vận tải hành khách đang gặp nhiều khó khăn, vất vả do tình hình dịch bệnh kéo dài nên việc Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình đã vô tình tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo ông Dũng, việc đón và trả khách tại các bến xe phía Nam Đà Nẵng trong bối cảnh hiện tại gặp nhiều trở ngại nên người dân không tín dụng.
“Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình như vậy khiến doanh nghiệp không thể phục vụ đủ nhu cầu di chuyển của người dân giữa 2 địa phương. Do vậy, các đầu xe tại Quảng Nam rất mong TP Đà Nẵng điều chỉnh lại lộ trình, như thế vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân vừa hỗ trợ doanh nghiệp 2 địa phương cùng khôi phục kinh tế”, ông Ông Văn Dũng nói.
Cần phương án mới
Mặc dù tỉnh Quảng Nam cũng như Hiệp hội vận tải đã nhiều lần đề xuất TP Đà Nẵng tạm dừng việc thực hiện điều chỉnh lộ trình, tuy nhiên phía Đà Nẵng vẫn giữ nguyên phương án dẫn đến nhu cầu bức thiết của người dân 2 địa phương bị ảnh hưởng. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc cần làm là thay đổi phương án đón và trả khách trên các tuyến cố định chứ không nên “chặn” tuyến gây khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Châu – Q.Chủ tịch Hiệp hội vận tải Quảng Nam chia sẻ việc TP Đà Nẵng điều chỉnh lộ trình di chuyển của 5 tuyến xe buýt liền kề về các bến xe phía Nam khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh không có khách trong suốt hơn 1 năm qua. Do đó, nguyện vọng của các doanh nghiệp vận tải Quảng Nam muốn hai địa phương nới lỏng quy định để các tuyến xe buýt có thể đi và về tại các bến xe trung tâm.
“Sau khi nối tuyến lại, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh hoạt động để phù hợp hơn. Trong đó, phương tiện sẽ không đón/trả khách dọc đường nội thành mà sẽ đón/trả tại các bến xe trung tâm, như thế cũng hợp lệ và không ảnh hưởng để giao thông tại 2 địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Châu đề xuất.
Thông tin từ ông Châu, hiện tại các doanh nghiệp vận tải hành khách tại 2 địa phương cũng đã cơ bản thống nhất về phương án trên tuy nhiên gặp vướng mắc vì dịch bệnh chưa thể đề xuất. Do đó, đến đầu năm 2022 thì các doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án hoạt động trở lại để duy trì rồi sẽ tính đến việc kiến nghị nối tuyến.
“Nguyện vọng lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là phương tiện vận chuyển hành khách được đưa người dân đến bến xe trung tâm TP Đà Nẵng để phù hợp nhu cầu di chuyển. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thế khôi phục được các hoạt động phát triển kinh tế, người dân có đủ dịch vụ cần thiết trong nhu cầu trong sinh hoạt, kinh doanh”, ông Nguyễn Ngọc Châu nói thêm.
Có thể bạn quan tâm