Di dời chợ Sắt Hải Phòng: Tiểu thương cần một văn bản chính thức của thành phố, sau 3 năm
Hiện tại, khu chợ tạm phụ vụ di dời chợ Sắt tại số 20 đường Trường Chinh (quận Kiến An) gần như đã hoàn thành các gian hàng, tiến độ đang được đảm bảo.
>>>Di dời chợ Sắt, Hải Phòng: Tiểu thương nói gì
Được biết, ngày 20/12/2021, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã có kết luận chỉ đạo, đồng ý cho Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn xây dựng công trình tạm tại khu đất số 20 đường Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An. Công trình tạm phục vụ di chuyển các hộ đang kinh doanh tại chợ Sắt hiện nay trong thời gian khoảng 3 năm để giải phóng mặt bằng xây dựng Dự án tổ hợp TTTM mới tại khu vực chợ Sắt.
Theo đó, Công ty CP May-Diêm Sài Gòn tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng công trình tạm trên, không tính vào tổng mức đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành, Công ty May-Diêm Sài Gòn chịu trách nhiệm điều hành hoạt động quản lý các hộ kinh doanh tại địa điểm trên, không thu tiền thuê mặt bằng của các hộ kinh doanh trong khoảng 3 năm. Các khoản phí, lệ phí khác được thu theo quy định. Chủ đầu tư hoàn thành việc chuyển các hộ kinh doanh tại chợ Sắt hiện nay sang địa điểm trên trước ngày 1/3/2022.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Chu Ngọc Minh – Phó TGĐ Công ty CP May – Diêm Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp xác định công trình Trung tâm thương mại chợ Sắt là công trình trọng điểm và quan trọng nên hỗ trợ xây dựng chợ tạm cho TP Hải Phòng hoàn toàn không tính vào chi phí đầu tư. Gọi là chợ tạm nhưng sau khi xây xong, có thể so sánh với các chợ chính quanh TP Hải Phòng, chắc chắn không khác so với chợ chính. Không phải đơn vị nào, chủ đầu tư nào cũng bỏ một số tiền rất lớn để làm chợ Tạm – ông Minh nhấn mạnh.
Khu vực chợ tạm được bố trí tối đa khoảng 450 ki ốt phục vụ các tiểu thương kinh doanh, buôn bán (tại chợ Sắt có 415 hộ ký hợp đồng), mỗi ki ốt có diện tích 6m². Khu chợ hoàn thành trước ngày 01/3/2022, phục vụ di chuyển toàn bộ các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Sắt cũ về đây. Công ty CP May – Diêm Sài Gòn chịu trách nhiệm điều hành hoạt động quản lý các hộ kinh doanh tại chợ, không thu tiền thuê mặt bằng. Các khoản phí, lệ phí khác (điện, nước, môi trường…) thu theo quy định.
Ông Minh cho biết thêm, hiện tại, chỗ chợ Sắt thành phố đang yêu cầu làm tuyến phố đi bộ, chỉnh trang đô thị thì các hộ kinh doanh lấy đâu ra phương tiện cơ giới để chuyển hàng nữa. Trong khi đó, khu đất số 20 Trường Chinh lại gần quốc lộ, giao thông đi lại rất thuận tiện… nên TP Hải Phòng mới chọn vị trí này để làm chợ.
>>Di dời chợ Sắt, Hải Phòng: Tiểu thương nói gì
>>Nhà đầu tư duy nhất thực hiện dự án 6.000 tỷ ở chợ Sắt Hải Phòng là ai?
Sau khi nhận được thông tin di dời, các hộ kinh doanh và tiểu thương kinh doanh tại chợ Sắt có treo băng rôn trên cổng, tường chợ Sắt, trên một số cây xanh quanh chợ với nội dung, đề nghị thành phố xây dựng chợ kinh doanh ổn định lâu dài. Đề nghị thành phố gặp gỡ, đối thoại với bà con chợ Sắt…
Nhiều tiểu thương chợ Sắt cho biết, bà con lúc nào cũng chấp hành Luật pháp của nhà nước và ủng hộ Chủ trương của thành phố. Đồng thời đề nghị thành phố Hải Phòng cử cán bộ xuống chợ để tiếp dân, để giải thích cho bà con hiểu rõ chứ không thể đơn giản chỉ một bản thông báo đưa ra, đến tháng 3 bà con phải chuyển sang chợ tạm.
“Một cửa hàng như thế này, cách đây hơn 20 năm chúng tôi phải bỏ 130 triệu để mua, giá lúc đó bằng một căn nhà mặt đường Quang Trung. Giờ chuyển chúng tôi sang chợ tạm trong 3 năm, vậy sau 3 năm thì đuổi bà con ra ngoài hay sao?. Lúc đó bà con về đâu đi đâu? Đó là vấn đề mấu chốt. Bà con ủng hộ thành phố nhưng phải có văn bản rõ ràng, sau 3 năm thì như thế nào?” - Ông H.V.Khánh bức xúc.
Bà Lại Thị Hiếu và ông Phạm Văn Trường đại diện cho các tiểu thương đang hoạt động kinh doanh tại Chợ Sắt đề nghị thành phố xây dựng chợ, nơi kinh doanh mới cho các hộ tương xứng hoặc tốt hơn Chợ Sắt. Yêu cầu phải có địa điểm ổn định, phù hợp rồi mới thực hiện việc di chuyển. Chúng tôi không đồng tình với phương án xây dựng chợ tạm tại số 20 Trường Chinh, quận Kiến An và phương án di chuyển các hộ trước ngày 01/3/2022 – bà Hiếu chia sẻ.
Sau khi doanh nghiệp xây xong chợ tạm này thì thành phố sẽ làm việc với các hộ kinh doanh về việc di dời, còn thủ tục có đồng ý di dời hay không liên quan đến hồ sơ, công tác giải phóng mặt bằng do quận Hồng Bàng lập, trình thành phố phê duyệt và nội dung do địa phương thực hiện và chủ đầu tư chỉ tiếp nhận mặt bằng. Sau 3 năm, doanh nghiệp sẽ bàn giao lại cho thành phố khu chợ tạm này, còn thành phố tiếp tục sử dụng hay như thế nào là việc của thành phố – ông Minh chia sẻ.
Để thực hiện chợ Sắt kiên cố tại 20 Trường Chinh còn phải làm thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư, nên phương án thiết kế phê duyệt. Trong thời gian đó những cái gì không phải là chính thì người ta gọi là tạm. Bây giờ bà con tiểu thương đang nghĩ tạm, tức là một ngày nào đó sẽ hất người ta đi. Nhưng về mặt pháp lý doanh nghiệp bắt buộc phải coi đó là tạm để phục vụ cái chính (TTTT chợ Sắt). Trong thời gian đó thành phố sẽ lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án chợ Sắt tại Kiến An. Lúc đó mời bà con vào công trình chính, chính lúc đó sẽ là có nhà đầu tư chính thức, ký hợp đồng chính thức.
Có thể bạn quan tâm
Di dời chợ Sắt, Hải Phòng: Tiểu thương nói gì
08:00, 15/01/2022
Nhà đầu tư duy nhất thực hiện dự án 6.000 tỷ ở chợ Sắt Hải Phòng là ai?
05:00, 08/09/2021
Hải Phòng: Xây tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao tại chợ Sắt
17:11, 06/08/2021
Hải Phòng: Đồng ý Quy hoạch chi tiết 1/500 DA xây dựng TTTM chợ Sắt
08:09, 27/11/2020