Cơ hội để Hải Phòng cất cánh từ cơ chế chính sách đặc thù
Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
>>>10 thành tựu nổi bật của Hải Phòng năm 2021
>>>Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm liên kết vùng, kết nối vùng
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khi đánh giá về cơ hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
Tăng trưởng vượt bậc
Trong quan điểm về phát triển TP Hải Phòng tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị ngày 24/01/2019 nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước”
Cũnh chính vì vậy, mà trong những năm qua, Hải Phòng luôn đạt mức tăng trưởng cao trong cả nước. Đặc biệt, trong năm 2021, Hải Phòng hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa phát triển kinh tế ở mức cao.
Cụ thể, GRDP tăng 12,38% so với năm 2020, là địa phương dẫn đầu cả nước, gấp hơn 6 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt trên 17% so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán HĐND thành phố giao. Riêng thu nội đạt 35.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2020. Đáng chú ý, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54.000 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2020, vượt trên 9% dự toán Trung ương giao với số vượt thu tuyệt đối khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hải Phòng cũng luôn khẳng định vị thế là địa phương phát triển năng động, đầy sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2021, thành phố thu hút trên 3,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), tăng trên 91% so với năm 2020, vượt kế hoạch năm (2,5-3 tỷ USD).
Những con số biết nói trên đã minh chứng Hải Phòng là một trong những hình mẫu về phát triển với sự tăng trưởng rất cao. Đây là một động lực rất quan trọng và là tiền đề để Hải Phòng tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành một trong những địa phương “đi sớm nhất” từ nay đến năm 2030 về công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Điều này càng được khẳng định khi trong năm 2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, TP Hải Phòng là 1 trong 4 tỉnh, thành phố được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.
Gánh vác sứ mệnh đầu tàu của cả nước
Với những cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã thông qua cho thấy Đảng và Nhà nước đã đặt niềm tin vào Hải Phòng, với một kỳ vọng không chỉ là cực tăng trưởng mà Hải Phòng sẽ đảm trách vai trò là động lực của khu vực phía Bắc và cả nước.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của TP Hải Phòng trong thời gian tới. Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới.
>>>Hải Phòng: Chuyển đổi số để bứt phá
>>>Hải Phòng: Sắp có khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện
Cụ thể, các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích Hải Phòng phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương.
Về chính sách về quản lý đất đai, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai. Từ đó, tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho Hải Phòng trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.
Về chính sách về quản lý quy hoạch sẽ góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho Hải Phòng, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và góp phần thúc đẩy sớm thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Còn đối với chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức, đây sẽ là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của Hải Phòng trong tương lai.
“Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước”, ông Tùng nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc với TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Từ Nghị quyết 32 đến Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã có sự thay đổi rất lớn. Nếu Nghị quyết 32 coi Hải Phòng là một cực tăng trưởng các tỉnh phía Bắc trong tam giác phát triển; Nghị quyết 45 đặt Hải Phòng trong một “tầm vóc” khác, không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho khu vực và cả nước. Hải Phòng trở thành một thành phố hiện đại, đi đầu, hoàn thành sớm công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có vị thế không chỉ trong nước và cả khu vực và quốc tế. Như vậy, cần có chính sách, cơ chế đặc thù để đáp ứng được yêu cầu phát triển, hiện thực hoá quyết tâm chính trị đó.
Được biết, ngay khi Nghị quyết được thông qua, TP Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa và trình tự, thủ tục thực hiện các cơ chế, chính sách, làm cơ sở để tổ chức thực hiện, phát huy tối đa lợi thế, cơ hội mà các cơ chế, chính sách mang lại cho thành phố trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất…
Năm 2022, Hải Phòng phấn đấu GRDP tăng 13% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 7.300 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19% - 20%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 105.645 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt 60.000 tỷ đồng, thu nội địa 41.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200.000 tỷ đồng; sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 168 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD; thu hút 4,5 triệu lượt khách du lịch; thu hút 2,5-3 tỷ USD vốn FDI; giải quyết việc làm cho khoảng 56.700 lượt người; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) giảm 0,5%; 100% số huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 14 xã triển khai từ năm 2021 và tiếp tục xây dựng 35 xã trên địa bàn các huyện… |
Có thể bạn quan tâm