Doanh nghiệp xuất nhập khẩu "gian nan" vì chi phí vận tải biển
Đến hiện tại, chi phí vận tải biển vẫn leo thang, nhiều khu vực như EU, châu Mỹ đã tăng giá từ 5-7 lần và chưa có dấu hiệu giảm xuống.
>>Đà Nẵng: Doanh nghiệp đã giữ chân người lao động như thế nào?
Tận dụng nội lực
Việc chi phí gia tăng đột biến và cao ngất ngưỡng cùng với ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu điêu đứng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tiềm lực tài chính hạn hẹp đã phải đóng cửa vì không thể “gánh” nỗi các chi phí phát sinh.
Đối với các doanh nghiệp vẫn còn hoạt động, nhiều đơn vị đã phải dùng cạn nội lực để hoàn thành các đơn hàng truyền thống cũng như giữ chân người lao động. Để có thể phát triển trở lại, các doanh nghiệp cho rằng cần có sự tác động vào các hãng tàu để giảm chi phí vận tải, như thể mới bù sức được cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng những khó khăn về chi phí vận tải biển cũng như dịch bệnh vẫn còn nguyên chưa hề thuyên giảm. Nhưng dựa vào nội lực có sẵn của doanh nghiệp, phía đơn vị vẫn có thể duy trì được hoạt động và đảm bảo công việc cho bộ phận người lao động. Theo ông Lĩnh, việc chi phí vận tải biển tăng vọt lên như hiện nay đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.
“Chi phí vận tải của đơn vị đã tăng từ 20 tỷ (năm 2019) lên đến 140 tỷ (năm 2021) đối với cùng một sản lượng như nhau đã “ngốn” hết tất cả lợi nhuận của công ty, như vậy thì doanh nghiệp rất khó để nói đến chuyện phát triển. Chưa kể đến các chi phí phát sinh trong cảng nội địa, phòng, chống dịch bệnh mà trước đây không có thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics luôn trong cảnh chật vật để thích ứng”, ông Trần Văn Lĩnh cho hay.
Đơn cử, ông Lĩnh cho hay tiền vận chuyển hàng đi Nhật Bản lâu nay không tăng, trước đó là 2000 USD nay cũng đã tăng lên đến 4000 USD vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, Nhà nước không thể can thiệp vào chi phí vận tải biển nên doanh nghiệp rất khó trông chờ vào việc tác động để giảm giá.
Theo ông Lĩnh, nếu như một doanh nghiệp không vững mạnh, không có nội lực thì không thể gắng gượng lại với thời cuộc. Do đó, trong tại Công ty của ông Lĩnh đã nỗ lực động viên các thành viên, giảm lợi nhuận cổ đông nhằm hỗ trợ con người để bộ phận người lao động gắn bó với đơn vị, duy trì được các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận.
“Hiện tại, rất khó để tìm tàu để vận chuyển hàng hóa, điều này ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp rất nhiều. Nếu sản xuất xong các đơn hàng nhưng không thể vận chuyển đi, không qua được hàng thì sẽ không lấy được tiền dẫn đến gánh nặng cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đã dùng hết tiềm năng vào sản xuất, vào chống dịch khiến tài chính gần như cạn kiệt, nên cách cuối cùng là chỉ vận dụng vào con người. Do đó, cần củng cố niềm tin trong công nhân, tạo ra niềm hứng khởi trong người lao động để họ có thể tiếp tục yên tâm làm việc, sản xuất”,ông Trần Văn Lĩnh nói thêm.
Linh hoạt thích ứng
Ông Dương Tiến Lâm – Tổng Giám đốc Công ty CP Asiatans VietNam cho hay Công ty ông hiện tại vẫn vận hành ổn và phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Theo ông Lâm, phía Công ty đã thay đổi để nhân viên chủ chốt có máy móc tự làm việc tại nhà trong khi dịch bệnh hoành hành. Đồng thời, Công ty cũng vận động người lao động thích ứng với tình hình dịch bệnh, đồng hành với công ty.
“Trong khó khăn, phía Công ty đã thay đổi chính sách liên tục để hòa nhập với tình hình từ đó dẫn đến sự tăng trưởng. Hiện tại, có một thiểu số doanh nghiệp đã phải đóng cửa văn phòng vì các khó khăn hiện hữu, còn lại những công ty Logistics dịch vụ phong phú hơn sẽ bù lại được nhiều hơn từ các ngành nghề, biến nguy thành cơ thì các doanh nghiệp sẽ thích ứng được với thời cuộc. Đa phần các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đều ổn định và tăng trưởng nhẹ”, ông Dương Tiến Lâm cho biết.
Theo ông Lâm, chi phí vận tải biển trên quy mô toàn cầu vẫn đang trong quá trình tăng cao, đặc biệt là những chuyến đi châu Âu, châu Mỹ tăng hơn 7 lần. Việc chi phí vận tải biển tăng đã phản ánh sự thật về bối cảnh khách quan, chứ không phải do các đơn vị vận tải tùy tiện tăng giá. Hiện tại, do nhu cầu tăng lên nhưng nguồn cung không đáp ứng dẫn đến sự “lệch pha” khiến giá thành bị đẩy lên cao nên các bên liên quan (bên trả tiền) buộc phải chấp nhận.
“Các quốc gia lớn cũng đã vào cuộc điều tra và đã đề ra những nguyên nhân về thiếu lao động, vật giá, nhà máy, nghẽn tàu,... Tất cả nguyên nhân phân tích đều dẫn đến sự khơi nguồn của việc chi phí vận tải biển gia tăng khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam hay tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Dương Tiến Lâm nói.
Các doanh nghiệp Logistics cho rằng, chi phí vận tải đườn biển gia tăng đã khiến thành phần cấu thành vào giá thành của sản phẩm tăng, giá thành tăng khiến người sử dụng và cả người lao động bị ảnh hưởng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng trực tiếp khi giá cả đầu và chi phí vận chuyển tăng quá nhiều khiến việc nâng giá thành luôn bị “mang tiếng”.
Các doanh nghiệp cũng chia sẻ, bản thân cần sự ổn định tương đối để giải quyết “bài toán” sản xuất, nhưng khi “đầu bài” thay đổi liên tục khiến các đơn vị luôn trong cảnh đau đầu. Từ việc chi phí vận tải biển gia tăng đã sinh ra hai mặt lợi và hại. Trong đó, người có "cách giải" nhanh sẽ phát huy, nắm bắt “cuộc chơi” có thể tận dụng và đưa vào tiến trình phát triển. Còn ngược lại, nếu không thích ứng kịp thời sẽ dẫn đến sự đào thải tạm thời khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Và việc này áp dụng lên cả doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng xuất xưởng lô máy tính bảng đầu năm 2022
13:37, 07/02/2022
Đà Nẵng chống COVID-19 như thế nào?
05:01, 05/02/2022
Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
03:41, 04/02/2022
Vụ lấn sông Hàn Đà Nẵng: Đừng để sai lầm lịch sử kéo dài
08:15, 30/01/2022
Đà Nẵng chú trọng thu hút đầu tư trong giai đoạn mới
09:34, 26/01/2022