Quảng Ninh: Tìm giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Thời gian qua tình trạng phương tiện ùn tắc tại cửa khẩu do các địa phương phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động đang khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu nhiều ảnh hưởng.
>>>Quảng Ninh: Chống ùn tắc cửa khẩu Móng Cái
>>>Xuất khẩu sang Trung Quốc đón tín hiệu tích cực
Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn Quảng Ninh thời gian gần đây gặp không ít khó khăn. Nhất là tình trạng hàng hóa, phương tiện ùn tắc ở khu vực biên giới, cửa khẩu tại TP Móng Cái do các địa phương phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động các cửa khẩu, lối mở đang khiến doanh nghiệp XNK chịu nhiều ảnh hưởng. Do vậy, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được dư luận trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Được biệt, từ ngày 21/12/2021 Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã cho tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn TP Đông Hưng (Trung Quốc) để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, tình trạng một lượng lớn hàng hóa hoa quả, nông thủy sản (khoảng 1.500 xe) đã bị ùn ứ tại Móng Cái, gây khó khăn cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc bố trí bến bãi bảo quản, trong đó tại khu vực cầu Bắc Luân II là 360 xe và tại lối mở cầu phao Km3+4 là 1.140 xe.
>>>Quảng Ninh: Kiên quyết cải thiện môi trường kinh doanh
Tính từ ngày 3 đến 23/2 số xe hàng hóa thông quan tại cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh là 1.951 xe và đạt bình quân khoảng 97 xe/ngày. Số lượng này thấp hơn nhiều so với bình quân năm 2021 (300-350 xe/ngày). Trong khi đó, hiện nay các tỉnh phía trong đang bước vào vụ thu hoạch chính, một số tỉnh biên giới phía Bắc đã có văn bản dừng tiếp nhận hàng hoa quả, nên lượng hàng hóa hoa quả tươi tập trung về Quảng Ninh với số lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới.
Theo tìm hiểu của phóng viên từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở của tỉnh vẫn đạt thấp. Nguyên nhân của tình trạng này do một số doanh nghiệp thương mại, dịch vụ phía Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại và nhiều công nhân bốc xếp tại khu vực cửa khẩu về quê ăn Tết vẫn chưa quay lại làm việc.
Đặc biệt, do chính sách “Zero COVID” nên Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động thông quan hàng hóa bằng nhiều biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao nhất. Trong khi đó, tại Việt Nam số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên cả nước tiếp tục diễn biến tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc cân nhắc trong việc mở lại các cửa khẩu, lối mở.
Tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, phía Trung Quốc đã 9 lần cho tạm dừng thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở khu vực Móng Cái, do phát hiện lái xe, phương tiện vận chuyển, hàng hóa dương tính với COVID-19.
Được biết, gần đây nhất, ngày 24/2, TP Đông Hưng (Trung Quốc) đã thông qua đường dây nóng ngoại vụ của TP Móng Cái, Quảng Ninh (Việt Nam) thông báo phía bạn đã phát hiện trường hợp người dân mắc COVID-19. Do vậy, từ ngày 25/2, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tạm dừng thông quan hàng hóa qua lối mở Km3+4 Hải Yên và cửa khẩu cầu Bắc Luân II để phòng, chống dịch bệnh…
Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp XNK qua địa bàn, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, cập nhật kịp thời về chính sách quản lý hoạt động XNK, thương mại biên giới của phía bạn. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động XNK, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
Sở cũng sớm tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới Quảng Ninh (Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 29/1/2022) do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.
Đồng thời, tham gia hội đàm Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung giữa Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam với Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc và đại diện Sở Thương mại các địa phương Vân Nam, Quảng Tây; đại diện các bộ: Thương mại, Ngoại giao, Tổng cục Hải quan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, để thống nhất các biện pháp nhằm đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, lối mở biên giới, xem xét việc thông quan hàng hóa trong dịp nghỉ Tết. Kết quả, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022, hai bên đã triển khai hoạt động XNK thực hiện theo hình thức thông quan hẹn trước tại lối mở Km3+4 (từ ngày 3 đến 6/2/2022) và cầu Bắc Luân II (từ ngày 4 đến 6/2/2022), với tổng số 273 xe.
Được biết, UBND TP Móng Cái trong vừa tổ chức họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, máy mỏ thiết bị; làm việc với Cục Thương vụ Đông Hưng (Trung Quốc) hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải giải quyết nhanh thủ tục cấp phép cho các phương tiện vận tải Trung Quốc qua cầu Bắc Luân 2 sang địa điểm kiểm tra tập trung và phương tiện vận tải Việt Nam qua cầu Bắc Luân 2 sang Trung Quốc giao nhận hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo việc thông quan nhanh chóng, hạn chế việc lưu xe làm tăng chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị gặp gỡ đầu xuân 2022 giữa các Bí thư Tỉnh ủy và Hội nghị lần thứ 13, Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Sở Công Thương Quảng Ninh và Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc đã ký thỏa thuận khung về hợp tác thông quan tại cửa khẩu với Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, để tiếp tục tạo thuận lợi trong hoạt động XNK và đảm bảo công tác phòng chống dịch giữa hai bên.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương liên quan sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để quản lý, kiểm soát, điều hành hoạt động thương mại biên giới, hoạt động trao đổi cư dân biên giới tại các địa phương biên giới (theo nội dung Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 10/1/2022 của Văn phòng Chính phủ).
Theo đó tỉnh Quảng Ninh đề xuất với Bộ NN&PTNT sớm đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch, xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động, thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, qua đó giảm tần suất hậu kiểm lô hàng…
Đặc biệt, từ ngày 25/2 đến nay, ngay sau khi phía Trung Quốc cho tạm dừng hoạt động cửa khẩu để thực hiện công tác phòng chống dịch, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường, trao đổi, đối thoại, nhằm tìm ra các giải pháp phù sớm nối lại hoạt động XNK tại cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn TP Móng Cái./.
Có thể bạn quan tâm