Huyện Cát Hải (Hải Phòng): Giải quyết dứt điểm tháo dỡ tất cả các lồng, bè nuôi trồng thủy sản
Mặc dù các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh thuộc Cát Bà, huyện Cát Hải đều đồng tình ủng hộ việc di chuyển, tháo dỡ lồng bè song đến nay tiến độ tháo dỡ chậm hơn dự kiến.
>>>Hải Phòng: Quy hoạch điểm nuôi trồng thuỷ sản mới tại Cát Bà
>>>Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến đường bộ ven biển
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập, xung đột giữa phát triển nuôi trồng thuỷ sản với công tác bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiêu thế giới vào năm 2022, huyện Cát Hải đã xây dựng lộ trình tháo dỡ tất cả các lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên khu vực các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Theo đó, trong năm 2022, 440 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh Cát Bà phải tháo dỡ theo quy định của TP Hải Phòng.
Tìm cách kết nối tiêu thụ sản phẩm
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Tuấn Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, trên các vịnh của Cát Bà có sự phát triển của 440 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Do sự phát triển này thể hiện sự xung đột với phát triển du lịch nên trong năm 2021, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND về quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Từ đó, đảm bảo môi trường trên các vịnh được sạch sẽ, trong lành, đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch.
Theo đại diện UNBD huyện Cát Hải, sau hơn 7 tháng triển khai Nghị quyết 05 đến nay, địa phương đã tổ chức kiểm đếm được 437/440 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh, hoàn thành chi trả tiền hỗ trợ và tổ chức tháo dỡ 136/440 cơ sở, với hơn 9.300/58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể, hỗ trợ ổn định đời sống cho 156 nhân khẩu, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 14,4 tỷ đồng.
Mặc dù phần lớn các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đồng thuận, ký cam kết tháo dỡ di chuyển lồng bè, tuy nhiên, việc tháo dỡ vẫn chậm so với kỳ vọng về tiến độ của huyện Cát Hải, do các hộ nuôi trồng thuỷ sản đang gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thực tế, có nhiều hộ nuôi cá từ 2-5 năm, trọng lượng có con lên tới cả chục cân. Trong khi đó dịch bệnh kéo dài khiến cho sản phẩm thủy sản khó có thể xuất khẩu, lượng khách du lịch đạt thấp do người dân e ngại dịch bệnh cũng khiến lượng sản phẩm thủy sản khó tiêu thụ.
>>>Hải Phòng: Vẻ đẹp quyến rũ của tuyến đường nghìn tỷ ở Cát Bà
>>>Hải Phòng quyết đưa Cát Bà ghi danh di sản thiên nhiên thế giới
Tính đến cuối tháng 2/2022, tổng số hỗ trợ tiệu thụ sản phẩm cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh của Cát Bà đạt khoảng 725,3 tấn (gồm 644,7 tấn cá/khoảng 6.000 tấn và 80,6 tấn nhuyễn thể/khoảng 4.200 tấn), đạt khoảng 10%. Các đơn hàng cũng mới chỉ tập trung đối với sản phẩm cá, sản phẩm nhuyễn thể được đăng ký với số lượng còn hạn chế.
Ông Bùi Tuấn Mạnh cho biết, huyện Cát Hải sẽ tiếp tục tiếp cận và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm cho các hộ đã cam kết tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản. Trong đó, làm việc với BQL KKT, Đảng ủy Khối doanh nghiệp TP Hải Phòng, tập trung đưa các sản phẩm thủy sản cung cấp bếp ăn cho công nhân ở các công ty lớn trong KCN. Ngoài ra, huyện cũng sẽ huy động các khách sạn, nhà hàng lớn tại trung tâm du lịch Cát Bà hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt khi mùa du lịch biển mùa hè sắp tới. Đồng thời, tìm phương án chế biến các sản phẩm nuôi trồng thủy sản, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm thông qua cung cấp đến khách du lịch khi tới Cát Bà.
Hoàn thành phương án hỗ trợ trước ngày 31/3
Mới đây, tại buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND TP Hải Phòng về quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh tại Cát Bà, ông Phạm Văn Lập – Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng cho biết, huyện Cát Hải cần đề ra mốc thời gian cụ thể đối với từng việc, từng tháng để hoàn thành tiến độ tháo dỡ các cơ sở nuôi trông thuỷ sản; đẩy nhanh bàn giao khu vực biển cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đủ điều kiện, đưa ra thiết kế mẫu tại vị trí mới, bảo đảm tiêu chí sạch, đẹp, văn minh, xây dựng hình ảnh điểm đến tham quan, thu hút khách du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi tháo đỡ lồng bè…
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, thời gian tới, huyện Cát Hải tiếp tục triển khai lập phương án hỗ trợ toàn bộ các hộ nuôi trồng thuỷ sản còn lại trên vịnh, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ; mỗi tuần lập, công khai phương án hỗ trợ đối với 60 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản và hoàn thành trước ngày 31/3.
Cũng theo ông Mạnh, huyện Cát Hải đang phối hợp với các cơ quan ban ngành nghiên cứu, quy hoạch lại vị trí nuôi trồng, cách thức nuôi trồng làm sao đảm bảo môi trường, đồng thời tạo cảnh quan phục vụ hoạt động du lịch; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hộ nuôi trồng thả giống thuỷ sản nuôi mới trên các ô lồng, giàn bè, rạng ngầm trên các vịnh.
Được biết, huyện Cát Hải đã hoàn thành sơ đồ giao khu vực biển đối với 152 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh theo nghị quyết của HĐND TP Hải Phòng về việc thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản TP Hải Phòng giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành hướng dẫn về việc hướng dẫn trình tự thủ tục giao khu vực biển, đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn huyện Cát Hải.
Trước đó, phía BQL KKT Hải Phòng cũng phối hợp với huyện Cát Hải kết nối doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, KCN hiện có gần 5.000 lao động. Sau khi nhận được thông tin về việc hỗ trợ tiêu thụ thủy sản nuôi tại quần đảo Cát Bà, chúng tôi đã thông báo các doanh nghiệp trong KCN để cùng xây dựng kế hoạch cụ thể.
Theo Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND TP Hải Phòng về quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải thống nhất: Về hỗ trợ mặt kiến trúc mức hỗ trợ là 19.857.983 đồng/nhà chòi; 4.836.000 đồng/ô lồng nuôi cá; 89.008 đồng/m2 giàn nuôi nhuyễn thể. Đối với sản phẩm nuôi là cá, mức hỗ trợ đối với các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 25.000 đồng/m3. Từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 12.500 đồng/m3. Đối với sản phẩm nuôi là nhuyễn thể, hỗ trợ đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 12.500 đồng/m2. Ngoài ra, hỗ trợ hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021 là 6.480.000 đồng/nhân khẩu. |
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Vẻ đẹp quyến rũ của tuyến đường nghìn tỷ ở Cát Bà
01:17, 06/02/2022
Hải Phòng quyết đưa Cát Bà ghi danh di sản thiên nhiên thế giới
05:00, 15/11/2021
Hải Phòng di chuyển hoạt động Cảng cá Cát Bà để phát triển du lịch
01:38, 10/11/2021
Hải Phòng: Nguyên sơ làng Việt Hải, Cát Bà
11:25, 27/10/2021
Trải nghiệm nghỉ dưỡng tại Flamingo Cát Bà Beach Resort
20:34, 22/10/2021