Quảng Ninh: Không để các khu công nghiệp thiếu lao động
Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là thiếu hụt lao động.
>>>Quảng Ninh: Mở “đường tắt” Hạ Long đi Lạng Sơn
>>>Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số
Hỗ trợ đưa công nhân quay trở lại làm việc
Nắm bắt được tình hình đó, với góc độ quản lý nhà nước, Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế (KKT) tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tích cực với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa công nhân quay trở lại làm việc, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm, tuyển chọn thêm lực lượng công nhân tại các địa bàn của tỉnh.
Theo ông Châu Thành Hưng - Phó trưởng BQL KKT Quảng Ninh cho biết: Ngoài việc hỗ trợ đưa công nhân quay trở lại làm việc sau Tết, đơn vị còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3. Từ cuối tháng 12/2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ cho các KCN, KKT triển khai tiêm mũi 3 cho gần 30.000 lao động. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các trạm y tế lưu động tại các KCN, hướng dẫn quy trình thu dung, cách ly điều trị F0 thể nhẹ là công nhân lao động tại nhà.
Tại KCN Việt Hưng, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% doanh nghiệp trong KCN này đã tái khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh với 95% công nhân lao động đã quay trở lại làm việc. Riêng tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long, ngay trong ngày 8/2/2022, đã có trên 3.300 công nhân lao động đã đến phân xưởng làm việc, đạt 95% tổng số công nhân lao động. Những công nhân quay trở lại làm việc đều được Công ty tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19.
>>>Quảng Ninh đón khách quốc tế với "du lịch luồng xanh"
Ông Xi Wen Hui - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam cho biết: Hiện doanh nghiệp đã có 1.100 trong tổng số 1.200 công nhân đã trở lại làm việc. Tất cả các dây chuyền sản xuất đều đã ổn định trở lại. Công ty chúng tôi đang phấn đấu trong quý I/2022 sẽ sản xuất được 1 triệu sản phẩm với giá trị khoảng trên 20 triệu USD.
Qua thống kê, đến nay đã có 64/64 doanh nghiệp trong các KCN, KKT trên địa bàn đã quay trở lại hoạt động, đảm bảo đủ số lượng lao động tham gia sản xuất tại các nhà máy, phân xưởng sản xuất, với gần 33.000 lao động, chiếm 96,5% tổng số lao động so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Hỗ trợ đầu tư trong KCN, KKT
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, thay vì gặp mặt, trao đổi trực tiếp, Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, như tổ chức các cuộc họp trực tuyến với nhà đầu tư, doanh nghiệp; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích, qua email, zalo; xúc tiến, hỗ trợ đầu tư qua môi trường mạng... Đồng thời, phát huy vai trò cung ứng dịch vụ hành chính công, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư, tích cực triển khai các giải pháp tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC, giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án trong KCN, KKT.
Trong đó, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư đã làm việc, trao đổi trên 25 lượt để hướng dẫn, hỗ trợ cho 7 lượt doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC, giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án trong KCN, KKT; thực hiện tư vấn, lập, trình thẩm định và được phê duyệt 2 hồ sơ thuộc lĩnh vực đầu tư, môi trường; đang nghiên cứu lập 7 hồ sơ thuộc lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đầu tư, môi trường.
Trong đầu năm 2022, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ tăng cường thực hiện cải cách TTHC cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT theo Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 17/1/2022 của UBND tỉnh. Trong đó, Ban Quản lý KKT tỉnh làm đầu mối rà soát, hoàn thiện các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt.
Từ đầu năm đến nay, Ban đã tiếp nhận 58 hồ sơ TTHC, trong đó, đã giải quyết 50 hồ sơ TTHC (gồm: 40 hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn, 10 hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn), 8 hồ sơ TTHC đang giải quyết, chưa đến hạn trả.
Từ kết quả tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh trong KCN, KKT, đến hết tháng 2/2022, tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCN, KKT trên địa bàn đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Cụ thể, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án (Nhà máy Sản xuất loa, tai nghe và thiết bị điện tử thông minh của Công ty TNHH kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; Khu tổ hợp nhà xưởng và nhà kho xây sẵn Deep C Nga của Công ty Cổ phần DEEP C Nga; Tổ hợp nhà xưởng tiêu chuẩn kéo sợi Texhong Ngân Quang của Công ty TNHH Đầu tư Texhong Ngân Hà); cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 KCN Cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1) của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam.
Được biết, hiện nay, BQL KKT tỉnh Quảng Ninh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Công ty BBL Home Holding PTE.,LTD hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tấm sàn BBL Home tại KCN Đông Mai; hỗ trợ Công ty CP Cảng hàng lỏng Yên Hưng chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng cảng hàng lỏng Yên Hưng tại khu vực Đầm Nhà Mạc.
Theo ông Cao Văn Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn, việc các cơ quan tỉnh Quảng Ninh tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp, đã giúp cho doanh nghiệp sớm tổ chức các hoạt động đầu tư ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhằm mục đích sẽ đưa một phần Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City vào khai thác, phục vụ du khách trong năm 2022. Trước mắt đơn vị sẽ sớm hoàn thiện công tác đầu tư bãi tắm biển giai đoạn 1 dài 1,5km để đưa vào hoạt động, đón khách du lịch trong dịp 30/4 nhằm cụ thể hóa mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh đón từ 9,5-10 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022. Cùng với đó sẽ hoàn thiện đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đưa vào khai thác một số dịch vụ ăn, nghỉ tại tổ hợp.
Với mục tiêu trong năm 2022, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh có tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt trên 2,5 tỷ USD; doanh thu đạt trên 38.000 tỷ đồng; tổng số thu nộp NSNN đạt 910 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 36.000 lao động. Hiện nay, BQL KKT Quảng Ninh đang phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tập trung nắm bắt tình hình đầu tư của doanh nghiệp, qua đó tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Có thể bạn quan tâm