Hải Dương: Giá nhiên liệu nhảy múa, doanh nghiệp ứng phó thế nào?

HẢI NGÂN 19/03/2022 00:29

Dịch COVID-19 chưa qua thì "cơn bão” giá nhiên liệu lại tiếp tục ập đến khiến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương buộc phải tìm cách để duy trì hoạt động kinh doanh.

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

>>>Hải Dương cam kết hỗ trợ thủ tục đầu tư nhanh nhất cho Tập đoàn CJ

Áp lực lớn

Từ trước Tết Nguyên đán 2022, giá nhiều mặt hàng nhiên liệu liệu phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp như nhôm, sắt thép, than… đã tăng giá mạnh. Bước sang những tháng đầu năm 2022, giá nhiên liệu không hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Điều này đã tạo áp lực nặng nề đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu như vận tải, logistics, xi măng…

Nhiều tuyến vận tải hành khách tại Hải Dương phải giảm tần suất vì giá xăng dầu tăng cao

Nhiều tuyến vận tải hành khách tại Hải Dương phải giảm tần suất vì giá xăng dầu tăng cao (Ảnh: Báo Hải Dương)

Theo đại diện Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương cho biết, hầu hết các tuyến xe vận tải hành khách trong tỉnh hiện đều giảm tần suất chuyến. Hải Dương hiện có 14 tuyến xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh với khoảng 200 xe chạy 320 chuyến/ngày; 150 tuyến xe cố định liên tỉnh với 400 xe chạy 320 chuyến/ngày. Đến nay, các tuyến buýt nội tỉnh, liên tỉnh chỉ hoạt động được khoảng 30% số chuyến so với đăng ký; các tuyến cố định liên tỉnh cũng chỉ duy trì được từ 15-20% số chuyến.

Cũng theo Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương, người dân hiện có tâm lý ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Lượng khách giảm nên một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm số chuyến. Bên cạnh đó, giá xăng tăng quá cao, một số doanh nghiệp không thể tiếp tục bù lỗ nên đã tạm dừng hoạt động.

Một số công ty đã sử dụng lò hơi tạo nhiệt bằng vải vụn để tiết kiệm nhiên liệu đầu vào

Một số công ty may mặc đã sử dụng lò hơi tạo nhiệt bằng vải vụn để tiết kiệm chi phí nhiên liệu đầu vào

Ông Đinh Văn Dũng - Lái xe buýt tuyến Hải Dương – Hưng Yên cho biết, người đi thì ít, hàng hoá không có mấy, do vậy thu không đủ bù chi. Các xe bây giờ đều phải nghỉ, ngày đợi 2-3 tiếng đồng hồ mới có một chuyến xe đi.

Còn theo đại diện công ty CP V.I.P Việt Nam, công ty hiện có 20 xe đầu kéo và 13 xe tải khác. Trung bình mỗi tháng công ty tiêu thụ 40.000 lít dầu. Theo tính toán, từ khi giá xăng dầu tăng lên vào ngày 11/3, công ty này buộc phải tăng thêm khoản chi phí nhiên liệu là 160 triệu đồng/tháng.

Hiện giá nhiên liệu, đặc biệt là than, xăng dầu đã tăng hơn 80% so với thời điểm đầu năm 2020. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải mà các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nhiên liệu như xi măng, may mặc… cũng đang gồng mình với cơn “bão” giá.

Theo đại diện công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, trung bình mỗi năm công ty sử dụng khoảng 1 triệu lít xăng dầu, 500.000 lít dầu sấy lò, 120.000 tấn than, 380 triệu kWh điện để vận hành các dây chuyền sản xuất. Giá nhiên liệu như hiện nay đã đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh. Ngoài ra, khâu tiêu thụ và nhập nguyên liệu đầu vào của công ty cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do giá xăng dầu trong nước tăng cao khiến chi phí vận tải tăng lên.

Cách nào để thích ứng?

Dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã quay lại guồng sản xuất. Tuy nhiên, giá nhiên liệu liên tục tăng trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp phải gánh thêm các chi phí logistics, vận chuyển, giá nguyên phụ liệu tăng... trong khi đó lại không thể tăng thêm giá sản phẩm ngay để bù lỗ cho giá nguyên liệu đầu vào. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tìm cách để thích ứng trong bối cảnh như hiện nay.

>>>Hải Dương: Hướng đi nào cho ngành nông nghiệp?

>>>Hải Dương: Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động sau tết

Như tại công Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam thuộc KCN Phúc Điền, để tiết kiệm nhiên liệu đầu vào, công ty đã sử dụng hệ thống xe nâng chạy bằng điện thay vì chạy xăng như trước. Với cách thích ứng này, công ty đã tiết kiệm được khoảng 10% chi phí nhiên liệu trong quá trình hoạt động.

Còn tại công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, theo ông Đỗ Hoàng Linh - Trưởng Phòng Kỹ thuật, hiện phía công ty đang nghiên cứu để sử dụng nhiên liệu thay thế một phần nhiên liệu than cám. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai đầu tư chiều sâu, xử lý một số “nút thắt” công nghệ đối với các dây chuyền sản xuất.

Trước đó, để tiết kiệm được chi phí năng lượng, phía công ty này cũng đã đầu tư nâng cấp hệ thống điều khiển, thay thế các chi tiết linh kiện thế hệ cũ, cải tạo nhiều thiết bị để tăng tuổi thọ, nâng cao hiệu suất và tăng thời gian hoạt động của thiết bị.

Lượng khách giảm nên một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm số chuyến

Lượng khách giảm, giá xăng dầu tăng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp không ít khó khăn

Theo ông Lê Anh Hà - Giám đốc Công ty CP V.I.P Việt Nam, các lái xe của công ty phải tắt tất cả các thiết bị trong cabin, hạn chế tối đa thời gian nổ máy chờ; lựa chọn cung đường di chuyển ngắn nhất để tiết kiệm nhiên liệu.

Theo các chuyên gia nhận định, giá dầu toàn cầu đã tăng gần 40% kể từ khi có xung đột Nga và Ukraina, có thời điểm tăng 70% so với cùng kỳ. Giá xăng Việt Nam theo đó đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm. Thời gian tới, nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng thì khả năng giá xăng Việt Nam tăng thêm 30% trong vài tháng tiếp theo.

Với việc chịu khó khăn kép từ giá nhiên liệu tăng và dịch bệnh diễn biến phức tạp thì ngoài nỗ lực của từng doanh nghiệp, phía các doanh nghiệp rất mong các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn…

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

    20:56, 16/03/2022

  • Chuyện thành tỷ phú của nông dân nuôi lợn ở Hải Dương

    Chuyện thành tỷ phú của nông dân nuôi lợn ở Hải Dương

    03:23, 16/03/2022

  • Hải Dương cam kết hỗ trợ thủ tục đầu tư nhanh nhất cho Tập đoàn CJ

    Hải Dương cam kết hỗ trợ thủ tục đầu tư nhanh nhất cho Tập đoàn CJ

    10:28, 15/03/2022

  • Hải Dương: Hướng đi nào cho ngành nông nghiệp?

    Hải Dương: Hướng đi nào cho ngành nông nghiệp?

    02:26, 12/03/2022

  • Hải Dương: Sắp có liên vùng nuôi thủy sản công nghệ cao gần 300 ha

    Hải Dương: Sắp có liên vùng nuôi thủy sản công nghệ cao gần 300 ha

    01:07, 11/03/2022

HẢI NGÂN