Hải Phòng: Giải pháp nào cho phát triển mô hình KCN sinh thái?
Với 2 KCN đang chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, Hải Phòng cần nhiều lực đẩy hơn nữa để đẩy nhanh, mở rộng mô hình này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững, vì môi trường.
>>>Hải Phòng: Khơi thông ngành công nghiệp mới
>>>Hải Phòng: Doanh nghiệp lo ngại với núi rác khủng trong KCN
Cửa đã mở nhưng vẫn khó…
Việt Nam hiện có 575 KCN, 26 KKT cửa khẩu và 18 KKT ven biển. Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù số lượng các KCN trên cả nước lớn song mô hình KCN sinh thái hướng tới nền kinh tế tuần hoàn phát triển chưa nhiều. Còn tại Hải Phòng, trong số 12 KCN đang hoạt động có 2 KCN gồm KCN Đình Vũ (do công ty CP KCN Đình Vũ làm chủ đầu tư) và KCN Nam Cầu Kiền (do công ty CP Shinec làm chủ đầu tư) đang được TP Hải Phòng chỉ đạo chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
KCN sinh thái là mô hình KCN hướng tới sự phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các KCN mà còn đóng góp to lớn cho việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất môi trường, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Đặng Việt Bách - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Luyện thép cao cấp Việt Nhật, thuộc KCN Nam Cầu Kiền cho biết, các doanh nghiệp trong KCN có sự liên kết với nhau nên chất thải, khí thải của công ty này sẽ là nguyên liệu đầu vào của công ty khác. Việc thực hiện thu gom chất thải rắn, khí thải để trở thành nguyên liệu sản xuất trong một KCN vừa giúp các doanh nghiệp liên quan tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời đóng góp lớn cho việc bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, một số quy định về KCN, KKT đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình KCN, KKT; đặc biệt là mô hình KCN sinh thái. Trong đó, Nghị định số 82/NĐ-CP/2018 của Chính phủ về quản lý KCN, KKT đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT. Dù việc chuyển đổi mô hình sang KCN sinh thái vẫn đang được KCN trên địa bàn TP Hải Phòng thực hiện song trên thực tế còn như có những vướng mắc bất cập về quy định.
Đại diện KCN Đình Vũ - chủ đầu tư DEEP C 1 và 3 cho biết, liên quan đến việc triển khai thực hiện KCN sinh thái, Nghị định 82/NĐ-CP ngày 22/5/2018 đã được ban hành, tuy nhiên, nghị định này chỉ áp dụng cho các KCN hiện tại có mong muốn chuyển sang KCN sinh thái.
Theo ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, việc chuyển đổi các KCN truyền thống theo Nghị định 82 đang vướng về một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được, như các tiêu chí liên quan đến tỷ lệ cây xanh, hay thành lập liên kết cộng sinh công nghiệp đòi hỏi phụ thuộc nhiều vào chính sách thu hút đầu tư của địa phương nơi KCN đó hình thành. Việc đầu tư một KCN sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn bình thường và thời gian thu hồi vốn cũng chậm hơn do hệ số sử dụng đất bị giảm, để dành quỹ đất cho cây xanh, cảnh quan, cũng như giảm mật độ xây dựng. Việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hình thành các liên kết cộng sinh cũng đòi hỏi sự chọn lọc, nên cần có định hướng tổng quan về phát triển công nghiệp của địa phương, định hướng xây dựng các KCN theo hướng cộng sinh, sinh thái để tránh sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các KCN trên cùng địa bàn.
Còn theo ông Lã Thanh Tân – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hải Phòng cho biết, về phân cấp, theo quy định hiện hành thì chủ đầu tư phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục mới được công nhận là KCN sinh thái, từ việc trình hồ sơ đăng ký chứng nhận đến ban quản lý khu công nghiệp khu kinh tế. Sau đó ban quản lý gửi hồ sơ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và khi có kết quả tổng hợp ý kiến, trình lên ủy ban nhân dân cấp tỉnh để cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái. Như vậy, về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái thuộc UBND cấp tỉnh, nhưng phần thẩm định lại do các bộ, ngành trung ương thực hiện.
Cần lực đẩy
TP Hải Phòng hiện đang tập trung triển khai thủ tục thành lập 6 KCN mới với tổng diện tích 2.758 ha; 9 dự án đang hoàn thiện các quy trình, thủ tục để triển khai, với tổng diện tích hơn 3.400 ha. Việc phát triển nhanh các KCN trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Lượng thải và các chất gây ô nhiễm môi trường cũng gia tăng, gây tác hại đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng bền vững của đất nước. Do vậy, những vấn đề về môi trường luôn được các tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm khi đến tìm hiểu đầu tư tại Hải Phòng. Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển các KCN sinh thái để thu hút đầu tư.
>>>Hải Phòng: Giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu công nghiệp
>>>Hải Phòng: Số hoá trong hoạt động của các doanh nghiệp thế nào?
Theo ông Bruno Jacpert - Tổng giám đốc tổ hợp KCN DEEP C, những vấn đề về môi trường, sinh thái luôn được các tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu trước khi có ý định đầu tư. Về KCN DEEP C, KCN luôn có chủ trương về bảo vệ môi trường trong xử lý rác thải, nước thải, phát triển năng lượng tái tạo như xây dựng nhà máy điện mặt trời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong KCN cũng tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Thời gian tới, để tiếp tục phát triển mô hình KCN sinh thái, ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng BQL KKT Hải Phòng cho biết, BQL KKT Hải Phòng đã đề xuất với TP Hải Phòng và các cơ quan liên quan để các khu này được hưởng ưu đãi như KCN công nghệ cao. Bên cạnh đó, Ban tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố quy hoạch quỹ đất để phát triển mô hình này, đồng thời xây dựng chính sách hợp tác quốc tế với các thành phố, quốc gia có kinh nghiệm trong phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, ông Lã Thanh Tân cho rằng, những chính sách ưu đãi, đầu tư vào KCN, KKT cần thiết thực hơn đối với các nhà đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, doanh nghiệp trong KCN; có sự đột phá để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Do vậy, về chính sách, ngoài những ưu đãi cho KCN sinh thái theo quy định hiện hành, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước, tiền sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế suất nhập khẩu cho doanh nghiệp có thể được áp dụng tương tự như KKT.
“Về phân cấp, đề nghị phân cấp cho BQL KCN, KKT và các sở ngành liên quan ở địa phương thẩm định, trình UBND cấp tỉnh, cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái. Bởi các tiêu chí KCN sinh thái đã được quy định cụ thể trong nghị định của Chính phủ, các cơ quan của địa phương căn cứ vào điều đó để tổ chức thực hiện. Và việc phân cấp này cũng tương thích với thẩm quyền cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái đã được giao cho UBND cấp tỉnh”, ông Tân đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
“Loạn” thị trường bất động sản Hải Phòng (Bài 2): “Dẹp loạn” cách nào?
17:00, 30/03/2022
Vườn Quốc gia Cát Bà: Mắt xích không thể thiếu trong phát triển du lịch Hải Phòng
07:04, 30/03/2022
Hải Phòng: Khơi thông ngành công nghiệp mới
00:39, 30/03/2022