Ở tầm vĩ mô, thuế được xem là biện pháp mạnh để “chấn chỉnh” nghịch lý của thị trường bất động sản.
>>“Loạn” thị trường bất động sản Hải Phòng (Bài 1): Phi lý giá bất động sản
Tuy nhiên, trước mắt nhiều nhận định cho rằng cần phải dẹp được hiện tượng tạo sóng ảo ở các địa phương.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quang Văn - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng nhận định, giá bất động sản Hải Phòng tăng cao do hạ tầng Hải Phòng thời gian qua được đầu tư rất mạnh, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố cũng tăng trưởng top đầu cả nước mặc dù đại dịch hoành hành. Mặt khác, so với mặt bằng chung của 1 thành phố loại I thì giá bất động sản ở Hải Phòng còn khá dễ chịu. Chính vì vậy, sự “trỗi dậy” của thị trường là do sự thu hút từ các nhà đầu tư trong và ngoài thành phố đổ về. Có thể nói, có đến 80% giao dịch bất động sản trên thị trường thời điểm vừa qua là đầu tư, lướt sóng mà nhu cầu thực sự rất ít.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản Hải Phòng có hiện tượng sốt ảo thời gian qua là do các nhà đầu tư, các sàn giao dịch và đặc biệt là đội ngũ nhân viên môi giới đã “thổi” giá đất lên một cách thái quá. Ví dụ, 1m2 đất mặt đường trục xã thuộc khu vực thôn Kim Đới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng có giá tới khoảng 30 triệu đồng như vậy là bất bình thường. Bởi, rõ ràng lợi thế kinh doanh ở đây chưa có gì nổi trội mà chỉ có các nhà môi giới, nhà đầu tư “thổi” lên để lướt sóng đón lõng dự án Khu công nghiệp Tiên Thanh.
Việc mọi người tập trung vào mua bán, nhiều người mua khiến giá bất động sản bị đẩy lên và tăng liên tục. Giá tăng, người có tiền lại tiếp tục đầu tư vào bất động sản như là cách để tích lũy của cải và họ sở hữu rất nhiều bất động sản. Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu thực sự, nhất là người nghèo, khó tiếp cận được với nhà ở vì giá tăng quá cao. Như vậy càng tạo ra bất bình đẳng trong xã hội.
Thêm nữa, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến thị trường giao dịch bất động sản trở lên khá ảo. Một giao dịch bất động sản có thể được chia sẻ cùng lúc trên nhiều hội nhóm, trang cá nhân với những chào mời về sức hấp dẫn, tính thanh khoản cao,… và mỗi ngày giá sản phẩm lại được nhích lên một giá khác nhau, tạo lên cơn sốt.
Theo ý kiến 1 giám đốc sàn giao dịch lớn nhất Hải Phòng, để dẹp được sóng ảo cũng nên có chế tài (đánh thuế) đối với lực lượng môi giới hùng hậu này (khoảng 2000 – 3000 nhân viên) nhằm tránh tình trạng làm giá như hiện nay. “Thị trường sốt ảo tạo lên sự mất an toàn ngay cả với các sàn giao dịch. Chúng tôi không thể xác định được giá trị thực để có thể quyết định đầu tư mà cứ rơi vào trạng thái mua đuổi – bán đuổi. Người mua thì cũng đầy bấp bênh, ai may mắn lướt sóng gặp thời thì có lãi” – vị giám đốc này chia sẻ.
>>Vĩnh Phúc: Giao Công an điều tra đối tượng “thổi giá” bất động sản
Ngày 23/02/2022, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản số 1122/UBND-TC3 đề nghị các Sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, phối hợp có hiệu quả trong các cơ quan quản lý, chống thất thu thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, ngành Thuế sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, phát hiện các hành vi gian lận, khai sai giá trị thực tế; chuyển hồ sơ đến cơ quan công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế lớn. Các cơ quan quản lý đất đai, bất động sản, văn phòng đăng ký đất đai, chính quyền địa phương nơi sở tại kiểm tra, xác minh các hợp đồng có dấu hiệu rủi ro về thuế, không ghi nhận, không phù hợp về hồ sơ, giá trị tài sản giao dịch để xử lý.
Mặt khác, thành phố yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan Nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm kê khai trên hợp đồng công chứng, chứng thực đúng giá thực tế mua bán, chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế; Văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ đăng ký, chuyển nhượng, cho thuê nhà đất, bất động sản khi tiếp nhận. Ngoài ra, Hải Phòng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, kinh doanh các dự án bất động sản trên địa bàn theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.
Theo ông Nguyễn Quang Văn – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, chính sách, cơ chế thay đổi sẽ làm giá đất thay đổi, thị trường bất động sản thay đổi. Nếu không có sự kiểm soát thì sẽ dẫn đến người người đổ xô vào bất động sản. Vấn đề hiện nay là cần điều chỉnh, ổn định thị trường bất động sản bằng nhiều biện pháp, trong đó đánh thuế tài sản với nhà đất là biện pháp làm cho người có tiền sẽ cân nhắc việc đầu tư vào bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
“Loạn” thị trường bất động sản Hải Phòng (Bài 1): Phi lý giá bất động sản
00:02, 29/03/2022
Gia Lai: Giá bất động sản “nhảy múa” từng ngày
13:19, 17/03/2022
Vì sao giá bất động sản sơ cấp không giảm bất chấp COVID-19 kéo dài?
04:00, 10/09/2021
Mặt trái tăng giá bất động sản công nghiệp
06:00, 23/07/2021
Vì sao giá bất động sản thế giới tăng chóng mặt?
05:30, 16/06/2021