Hải Dương: Khởi công Đường trục Đông - Tây và 2 nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Dự án Đường trục Đông – Tây và 2 nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường tỉnh 390 và 392 vừa được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức khởi công.
>>>Doanh nghiệp Hải Dương nỗ lực chuyển đổi số
>>>Hải Dương: Đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính để thu hút đầu tư
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 2022 - 2024.
Đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế/xã hội của tỉnh. Khi hình thành, trục Đông - Tây tỉnh là trục giao thông chính liên kết các vùng huyện phía nam của tỉnh Hải Dương và huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Tuyến đường cũng sẽ liên kết các trục giao thông đối ngoại quan trọng như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38B, quốc lộ 37 với mạng lưới đường tỉnh 393, 391, 396, 392B...
Con đường này sẽ giúp giảm tải lưu lượng phương tiện qua các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực phía đông nam TP. Hải Dương đến tỉnh Hưng Yên. Đặc biệt, đường trục Đông - Tây hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh trong tương lai.
Dự án Nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường tỉnh 392 tại huyện Bình Giang, có tổng mức đầu tư 321 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tài trợ, còn VIDIFI chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống thu phí.
Điểm đầu nút giao tại Km9+080, đường tỉnh 392; điểm cuối đấu nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại Km39+900. Quy mô dự án bao gồm toàn bộ phần còn lại của nút giao (không bao gồm những hạng mục VIDIFI đã đầu tư xây dựng). Nút giao gồm các hạng mục chính như 1 cầu vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 1 cống chui dân sinh và 3,6 km đường dẫn.
Còn dự án xây dựng Nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường tỉnh 390 tại huyện Thanh Hà, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng do Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc tài trợ, VIDIFI chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống thu phí.
Điểm đầu của nút giao giao với đường tỉnh 390 tại km1+956; điểm cuối đấu nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại km70+660 (trùng với vị trí nút giao đã giải phóng mặt bằng của dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Quy mô công trình gồm các hạng mục chính như 1 cầu vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với chiều rộng 15,5 m; 1 cống chui dân sinh và 3 km đường.
>>>Hải Dương: Lấy Doanh nghiệp và người dân là trung tâm chuyển đổi số
Cùng với tập trung tối đa nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư, tỉnh Hải Dương đã tăng cường vận động thu hút các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp để cùng chung tay góp sức hỗ trợ phát triển kết nối hạ tầng giao thông.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là nơi có lợi thế lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Việc tập trung tối đa các nguồn lực, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện một số công trình hạ tầng trọng điểm, tạo điều kiện bứt phá cho phát triển kinh tế/xã hội của địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Khi 3 công trình giao thông hoàn thành sẽ hình thành trục vành đai giao thông thông suốt; tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên vùng và là huyết mạch khai thông phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận, ông Hùng khẳng định.
Trong đó, việc tập trung tối đa các nguồn lực, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện một số công trình hạ tầng trọng điểm, tạo điều kiện bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với việc tập trung tối đa nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư, thời gian qua, tỉnh Hải Dương cũng đã tăng cường vận động thu hút các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp để cùng chung tay góp sức hỗ trợ phát triển kết nối hạ tầng giao thông. 2 công trình nút giao cao tốc Hạ Nội – Hải Phòng với đường tỉnh 390, 392 được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa đã hiện thực hóa chủ trương này của tỉnh Hải Dương.
Ông Hùng yêu cầu, để các công trình sớm hoàn thành đảm bảo yêu cầu về tiến độ, kỹ thuật và chất lượng, Chủ đầu tư, Bên tài trợ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng theo quy định, sát sao đôn đốc các nhà thầu giám sát, thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện liên quan chủ động phối hợp với Chủ đầu tư, Nhà tài trợ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi công, đặc biệt là tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Đường trục Đông - Tây. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát công trình bố trí cán bộ giám sát có năng lực tốt để thường xuyên hướng dẫn, giám sát Nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Yêu cầu các đơn vị thi công bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị, tập trung thi công các công trình đảm bảo chất lượng và phấn đấu vượt tiến độ đề ra để sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Dự án đường trục Đông - Tây được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 12/2020, được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tháng 6/2021. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó ngân sách trung ương là 1.000 tỷ đồng; thực hiện trong thời gian từ năm 2021 - 2024 và theo kế hoạch vốn cấp hàng năm.
Đường trục Đông - Tây có chiều dài gần 36,5 km (chưa tính các đoạn vuốt nối) qua địa phận 3 huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang và Thanh Miện. Trong đó, xây dựng mới 21,76 km và cải tạo, nâng cấp 14,73 km đường hiện có. Điểm đầu dự án (km0) giao cắt với đường tỉnh 392C tại km7+470, tiếp giáp và kết nối với đường dẫn cầu vượt sông Chanh (cầu vượt sông Chanh do tỉnh Hưng Yên đầu tư), thuộc địa phận xã Đoàn Kết (Thanh Miện); điểm cuối (km36+493) giao đường tỉnh 391 tại km24+600 thuộc địa phận xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ). Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, có chiều dài tuyến đường là 36,5 km đi qua các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ; quy hoạch 4 đến 6 làn xe, quy mô đường cấp III, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, thời gian hoàn thành 2022 - 2024. Dự án xây dựng nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường tỉnh 392 tại huyện Bình Giang, tổng mức đầu tư 321 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tài trợ. Dự án xây dựng nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường tỉnh 390 tại huyện Thanh Hà, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng do Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc tài trợ. |
Có thể bạn quan tâm