Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa – Trách nhiệm bình ổn thị trường

SĨ CHỨC - KIỀU PHIÊN 13/04/2022 13:49

Nhằm ổn định thị trường, bình ổn giá, Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá hàng hóa, tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt nguồn tin nâng cao chất lượng quản lý.

>>Quản lý thị trường: “Chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại”

Nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, tác phong, đạo đức của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đang là vấn đề quan trọng đặt ra đối với lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Với  tư duy mới, cách làm mới, công tác QLTT đang được siết chặt, góp phần xây dựng thị trường ổn định, lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm bắt được tình hình từ những tháng đầu năm 2022, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt.  Nhất là sau tết thị trường trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thế giới và giá bán lẻ sản phẩm xăng dầu trong nước liên tục tăng cao,  cùng với thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nhiều mặt hàng thiết yếu về y tế, các thực phẩm tiêu dùng cùng đồng loạt tăng giá khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ quyết liệt  nhằm đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị; cung ứng đầy đủ, liên tục các mặt hàng xăng dầu, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng, chữa bệnh COVID-19.

Ngày 17/02/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Công Thương tỉnh tổ chức Hội nghị đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa đến dự và đưa tin bài; đại diện của 09 thương nhân đầu mối, thương nhân hoạt động theo ủy quyền của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương đã thông tin đến cho các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đại diện cơ sở kinh doanh xăng dầu đã phát biểu ý kiến về tình hình cung ứng xăng dầu của đơn vị trong thời gian qua và cùng thống nhất ký và thực hiện cam kết.

Ngày 02/03/2022, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính và Sở Y tế Thanh Hóa, đại diện 30 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vạt tư y tế và thuốc tân dược... tổ chức Hội nghị đảm bảo bình ổn thị trường thuốc tân dược, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuyên truyền, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nội dung về kê khai, niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết; không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để định giá, tăng giá bán bất hợp lý; không găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá bán nhằm thu lợi bất hợp pháp; không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính Phủ. Các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình thị trường, diễn biến cung-cầu, giá bán của các cơ sở kinh doanh thuốc và vật tư y tế. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đầu cơ găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý, bán hàng nhập lậu, không được phép lưu hành, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác. Nắm bắt thông tin khi xuất hiện tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.

>>Xử lý nghiêm mua vét, găm hàng, tăng giá

>>Quản lý thị trường Thanh Hóa: Kiểm tra có trọng tâm, kiểm soát có trọng điểm

 Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay các lực lượng chức năng đã kiểm tra 346 vụ việc, phát hiện, xử lý 274 vụ vi phạm. Trong các vụ việc bị xử lý có 34 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, 10 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, 93 vụ vi phạm về giá, 101 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và 36 vụ việc khác. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 860 triệu đồng.

Để đáp ứng yêu cầu chống gian lận thương mại trong thời kỳ mới, thời gian tới, Chi cục QLTT yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm

  • Thọ Xuân (Thanh Hóa): Vùng đất vàng sẵn sàng đón những dự án đại bàng

    Thọ Xuân (Thanh Hóa): Vùng đất vàng sẵn sàng đón những dự án đại bàng

    14:33, 12/04/2022

  • Thanh Hóa: Du khách chen chân tại Lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái

    Thanh Hóa: Du khách chen chân tại Lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái

    02:00, 11/04/2022

  • Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Nguy hiểm tại các điểm sạt lở chân cột điện 0,4kV

    Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Nguy hiểm tại các điểm sạt lở chân cột điện 0,4kV

    16:13, 06/04/2022

SĨ CHỨC - KIỀU PHIÊN