Vốn đâu cho hạ tầng TP.HCM?

HƯƠNG GIANG 16/04/2022 03:26

Nguồn vốn eo hẹp chính là “nút thắt” khiến nhiều dự án hạ tầng ở TP.HCM nằm bất động từ nhiều năm qua.

>>3 nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội của TP.HCM phục hồi mạnh mẽ

Trong giai đoạn 2021-2030, TP.HCM cần 970.654 tỷ đồng để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.

 Dự án Metro số 1 cũng bị chậm trễ sau 10 năm khởi công do thiếu vốn.

Dự án Metro số 1 cũng bị chậm trễ sau 10 năm khởi công do thiếu vốn.

Nguồn vốn eo hẹp

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành dự án cầu đường Bình Triệu 2 (TP.HCM) vào năm 2004, sẽ triển khai tiếp dự án giai đoạn 2. Nhưng sau hơn 2 năm, chủ đầu tư cũ của dự án là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 đã “rời khỏi” dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1).

Năm 2007, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM bắt đầu nghiên cứu đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2, lên phương án mở rộng cho 10 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.941 tỷ đồng, bao gồm xây lắp và đền bù. Tuy nhiên, năm 2011, tổng mức đầu tư của dự án này đã phải điều chỉnh lên 4.723 tỷ đồng.

Trước tình hình huy động nguồn vốn khó khăn, năm 2013, công ty này đề xuất bóp hẹp lộ giới mở rộng quốc lộ 13 từ 53m xuống còn 42m, với vốn đầu tư 3.182 tỷ đồng. Thế nhưng, do thiếu ngân sách đền bù giải tỏa nên dự án này tiếp tục “án binh bất động” đến nay.

Hay như Metro Số 1 cũng đã bị chậm trễ sau 10 năm khởi công do thiếu vốn. Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phê duyệt 1.670 tỷ đồng để nối lại dịch vụ tư vấn cho tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Với quyết định này, đơn vị tư vấn NJPT cùng Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) sẽ thực hiện các nhiệm vụ gần như cuối cùng của metro như đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga, hệ thống công nghệ thông tin... để chạy thử, tiến tới khai thác thương mại.

Cần cơ chế đặc thù

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết hiện còn nhiều dự án ở TP.HCM liên tục gặp khó khăn về nguồn vốn, khiến công trình lâm vào cảnh "giật gấu vá vai" thời gian dài. Do đó, TP.HCM cần có những cơ chế đặc thù để giải quyết vấn đề này. Nếu không, tình trạng các dự án hạ tầng giao thông đô thị TP.HCM sẽ rơi vào cảnh thi công dở dang hoặc đắp chiếu nhiều năm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo đó, TP.HCM cần kiến nghị Quốc hội cho phép thành phố được thực hiện cơ chế đối với các nguồn vốn mà thành phố có thể huy động từ các nguồn thu của thành phố, ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ là 142.557 tỷ đồng (Quyết định số 1535/QĐ-TTg). Bên cạnh đó, thành phố cũng cần được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cần có một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hoặc tiếp tục gia hạn nghị quyết này để tạo điều kiện cho TP. HCM khơi thông nguồn lực cho phát triển. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM. Có như vậy, TP.HCM mới đảm bảo vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng. 

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM: Số lượng doanh nghiệp của quận 12 tăng hơn 1.900 lần sau 25 năm

    TP HCM: Số lượng doanh nghiệp của quận 12 tăng hơn 1.900 lần sau 25 năm

    16:27, 01/04/2022

  • TP HCM chính thức thu phí cảng biển từ 1/4: Doanh nghiệp mong tái đầu tư hạ tầng hợp lý

    TP HCM chính thức thu phí cảng biển từ 1/4: Doanh nghiệp mong tái đầu tư hạ tầng hợp lý

    17:23, 25/03/2022

  • Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho 13 dự án giao thông tại TP HCM

    Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho 13 dự án giao thông tại TP HCM

    00:01, 15/02/2022

HƯƠNG GIANG