Lâm Đồng tăng 8 bậc trên Bảng xếp hạng PCI năm 2021
Với 67,17 điểm, năm 2021 Lâm Đồng vượt lên vị trí thứ 15, tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng PCI cả nước, chỉ đứng sau Hưng Yên và TP.HCM trong top khá của bảng xếp hạng PCI.
Sáng 27/4/2022, Báo cáo PCI năm 2021 được công bố và truyền hình trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.
>> Lâm Đồng nỗ lực nâng cao chỉ số PCI
Cùng với kết quả chỉ số xếp hạng các tỉnh, thành phố thường niên, Báo cáo phân tích những chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2021, các lĩnh vực cải thiện và những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; đồng thời, có một chương trình riêng để phân tích về tác động của đại dịch COVID-19 trong năm thứ hai đối với hoạt động doanh nghiệp và đánh giá triển vọng phục hồi trong bối cảnh bình thường mới của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bảng xếp hạng PCI năm 2021, Lâm Đồng vượt lên vị trí thứ 15, tăng 8 bậc (từ vị trí 23 trong bảng xếp hạng năm 2020), với điểm trung bình là 67,17 (năm 2020 là 64,43), chỉ đứng sau Hưng Yên và TP.HCM trong top khá của bảng xếp hạng PCI.
Trong TOP đầu, Quảng Ninh vẫn giữ vững vị trí số 1 với 73,02 điểm, nhưng so với năm 2020 (75,09), giảm 2,05 điểm. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, Quảng Ninh giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Ở 4 vị trí tiếp theo, chỉ còn Đồng Tháp và Đà Nẵng trụ lại, Hải Phòng vượt lên vị trí số 2, Vĩnh Phúc có sự thay đổi vượt bậc khi từ vị trí cuối trong top khá (29) của năm 2020 đã vươn lên vị trí số 5, tăng 24 bậc.
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID -19, nhưng các cấp chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã quyết liệt triển khai mạnh mẽ các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Tổ Công tác giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S làm Tổ trưởng Tổ Công tác. 2 Tổ Phó là ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (Tổ Phó Thường trực) và ông Lê Bình Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, Tổ Công tác còn có 35 thành viên khác là đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành và các địa phương.
Tổ Công tác có nhiệm vụ thông báo, tiếp nhận, tổng hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp và trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với những nội dung vượt thẩm quyền; Tổ chức các buổi làm việc, các chương trình đối thoại theo địa bàn, chuyên đề, lĩnh vực với các hiệp hội, hội, chi hội, các doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tổ công tác cũng có nhiệm vụ rà soát các quy định chồng chéo, không còn phù hợp và gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để sửa đổi hoặc tham mưu sửa đổi đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế; theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp; chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Hàng năm, Tổ công tác phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo, hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, tham mưu, đề xuất các giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn; cũng như, tham mưu, đề xuất tuyên dương, khen thưởng, kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc cải thiện và nâng cao chỉ số PCI ở Lâm Đồng nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, thân thiện, hấp dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh để tham gia đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Báo cáo PCI 2021 là ấn phẩm thường niên năm thứ 17 liên tiếp do VCCI xây dựng và phát triển với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm